Ký sự Nhà giàn DK1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt những con sóng bạc đầu mùa biển động, chúng tôi vươn khơi với sứ mệnh mang Tết đến các Nhà giàn DK1. Đó là những món quà của đất liền gửi chiến sỹ hải quân nơi biển cả.

Khắp mọi miền Tổ quốc, đào mai đã bung nở, khoe sắc đón Xuân Quý Mão 2023. Thời khắc ấy, Đoàn công tác, phóng viên lên đường, vượt trùng dương mang hơi ấm, không khí, tình cảm của đất liền tới Nhà giàn DK1. Nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sỹ hải quân kiên trung, ngày đêm canh giữ biển trời quê hương để nhân dân cả nước được yên vui, được sum vầy.

Ấm áp tình cảm đất liền

“Sóng to, gió lớn, biển động dữ dội, lịch xuất phát của đoàn công tác phải lùi lại 2 ngày, chờ biển dịu sóng, sẽ xuất phát”, dòng thông báo của Thiếu tá Huỳnh Chí Cường - Trợ lý Tuyên huấn phòng Chính trị Vùng 2 Hải quân đăng lên nhóm “Chúc tết nhà giàn 2023”. Tâm trạng háo hức vươn khơi của mọi người chững lại. Thẫn thờ đi tới trụ sở Tiểu đoàn DK1, đập vào mắt chúng tôi là không khí khẩn trương, tất bật của cán bộ, chiến sỹ; từng kiện hàng chuyển đến tập kết đang được phân loại và gói ghém lại một cách cẩn trọng. Đó là món quà của người dân cả nước gửi ra nhà giàn, là tình cảm mến thương mang Tết tới người lính hải quân giữa trùng khơi, để khoảng cách địa lý được khỏa lấp. “Cẩn thận, nhẹ tay thôi, lá dong gói bánh chưng ấy”, lời nhắc của Thiếu tá Trịnh Văn Nghị - Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 với chiến sỹ trẻ. Hơn ai hết, những người như anh Cường, anh Nghị còn muốn được xuất phát sớm hơn, ở ngoài kia có đồng đội đang ngóng chờ.

Tàu Trường Sa 10 vươn khơi chúc tết các Nhà giàn DK1

Tàu Trường Sa 10 vươn khơi chúc tết các Nhà giàn DK1

“Hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đơn vị liên hệ với các nhà tài trợ như câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa, Quỹ Vừ A Dính, các công ty, doanh nghiệp… món quà nào cũng đều ý nghĩa, ấm lòng. Để vận chuyển quà, anh em đơn vị cũng chuẩn bị công phu, sử dụng các túi kín nước, buộc theo kiểu quân đội, dù có ném xuống biển cũng vô tư, không sợ hư hỏng. Tôi đã từng đón Tết ở nhà giàn nên hiểu được sự trân trọng khi nhận quà trên biển. Cảm động lắm! Quanh năm làm nhiệm vụ giữa bốn bề biển rộng, mỗi khi anh, em thấy tàu thuyền có lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay là vui rồi, nỗi nhớ nhà, sự cô đơn vơi đi phần nào. Chỉ cần là đồng bào, “Con Lạc, cháu Hồng” thì thân thiết như người thân lâu ngày mới được gặp”, Thiếu tá Trịnh Văn Nghị tâm sự.

Những cây quất trĩu quả từ tỉnh Hưng Yên, cây mai vàng rực từ Hà Nội, gạo nếp, đỗ xanh từ Bắc Giang, Tuyên Quang; những chai tương bần mang hương vị miền quê Bắc bộ; hoa lan từ Đà Lạt; gói tôm khô từ đồng bằng sông Cửu Long… Tất cả đều gói trọn yêu thương, sẻ chia tới nơi đầu sóng ngọn gió. “Chúng tôi luôn cố gắng mang Tết ra đảo xa, ra nhà giàn. Làm sao để các chiến sỹ hải quân ăn Tết ngoài khơi xa như ăn Tết ở quê nhà, đâu đâu trên lãnh thổ Việt Nam cũng có Tết cổ truyền ấm cúng, trọn vẹn nghĩa tình”, anh Phạm Thanh Tuấn - Hội viên CLB Vì biển đảo quê hương nói.

Được sắp xếp gọn gàng trong thùng xốp, “Những cánh thư vượt sóng” do các em học sinh viết gửi tới các chú bộ đội Trường Sa, Nhà giàn DK1 khiến ai cũng bùi ngùi. Trang thư chứa đựng tình cảm tin yêu và cả sự tri ân cùng lời hứa chăm ngoan, học giỏi của các em sẽ theo tàu vượt sóng. “Thương yêu tặng chú - Bây giờ thời tiết đã chuyển sang mùa xuân, Tết cũng đã đến các chú ạ! Ở quê cháu, Tết đến nhà nào cũng sum vầy bên nhau nhưng các chú vẫn phải ở lại đảo, nhà giàn để bảo vệ Tổ quốc, các chú nhớ gia đình lắm nhỉ? Các chú đừng buồn nhé, vì có rất nhiều người ngưỡng mộ, biết ơn sự hy sinh thầm lặng của các chú…”, em Mai Thị Thùy Diễm (học sinh lớp 9B, Thái Nguyên) viết.

800 hải lý giữa trùng khơi

Xem bóng đá trên tàu Trường Sa 10

Xem bóng đá trên tàu Trường Sa 10

“Chuyến hải trình đặc biệt này sẽ gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng bằng mọi cách phải mang quà Tết đến tận tay cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1…”, Đại tá Đặng Mạnh Hùng - Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân giao nhiệm vụ đồng thời cảnh báo tổ phóng viên chúng tôi “sóng rất to, đừng ăn xong rồi cho cá ăn nhé”. Những cánh tay vẫy chào của lãnh đạo, chiến sỹ Vùng 2 Hải quân khuất dần trong tầm mắt, hai biên đội tàu Trường Sa 10 và Trường Sa 21 rẽ sóng bắt đầu chuyến hải trình. Dù đang chính Ngọ, giữa trưa nhưng mây đen vần vũ, mưa phảng phất rơi theo gió biển. Nhiều phóng viên lần đầu ra biển lớn còn đứng ở boong tàu tận hưởng cảm giác mới lạ này, nhưng chỉ khoảng 30 phút, ai cũng nhanh chân về phòng và những ngày sau đó nếm trải mùi vị say sóng. Từng con sóng bạc đầu cao khoảng 3-4m vỗ liên hồi khiến con tàu rung lắc, chồng chềnh. Ra khơi, con tàu trở nên nhỏ bé giữa trùng dương nhưng luôn vững vàng vượt bão giông bởi đoàn công tác đang có sứ mệnh “mang Tết đến Nhà giàn”.

Vươn khơi mùa biển động khiến chúng tôi thấu hiểu sự gian khổ, kiên trung của người lính hải quân. Ấn tượng nhất của đoàn công tác có lẽ là những “anh nuôi” trên tàu. Trong đó, Thiếu tá Đặng Văn Tình được Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân giao nhiệm vụ bếp trưởng. Đã 48 năm tuổi đời, 27 năm tuổi quân, anh Tình có một lịch trình công tác dày đặc trên biển. Bàn tay rắn rỏi, chai sạn nhưng nhẹ nhàng nhặt từng cọng rau, khéo léo cắt từng thớ thịt. “Hải trình dài ngày nên thực đơn được chuẩn bị đa dạng với thịt, cá, rau xanh. Các món ăn phải đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho anh em. Không những thế, công tác bảo quản lương thực, thực phẩm cũng được chú trọng. Nấu ăn lúc tàu rung lắc mạnh rất khó nhưng Tổ hậu cần rất vui khi các thành viên của đoàn công tác thường tham gia hỗ trợ. Niềm vui lan tỏa bởi những câu chuyện kể, bữa ăn thêm ngon, chuyến đi thêm thắm thiết”, anh Tình chia sẻ.

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tiếp nhận gần 500 phần quà từ nhiều cá nhân, tổ chức, hội nhóm gửi tặng cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Chuyến hải trình trúng vào dịp Giải bóng đá VFF Cup 2022 diễn ra, vì thế khu vực bếp ăn luôn đông đủ mọi người khi đội tuyển Việt Nam thi đấu. Thời tiết xấu, tàu hành quân liên tục nên việc mất tín hiệu giữa trận đấu là chuyện bình thường, trung bình mỗi trận, chúng tôi chỉ xem được 1/3 thời gian. Nhưng không khí cuồng nhiệt vẫn không hề giảm, tiếng hò reo, vỗ tay mỗi khi thấy bảng tỷ số hiện lên kết quả đội tuyển Việt Nam chiến thắng. “Đây là dịp để mọi người quên đi mệt nhọc, gắn kết, gần gũi nhau thêm”, Trung tá Đỗ Viết Quyết - Chỉ huy hành quân Đoàn công tác số 2 chia sẻ.

Mặt trời ló rạng, nắng tỏa trùng dương, tàu Trường Sa 10 rẽ sóng hướng về các Nhà giàn DK1. Chúng tôi mang Tết đất liền gửi tới các chiến sỹ hải quân, tiếng ca cất lên hoà cùng nhịp sóng, hân hoan đón chào năm mới trên biển cả quê hương.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.