Kỳ công trồng cây ra trái ví như "nữ hoàng quả khô", bán sang Tây, doanh nghiệp, nông dân Lâm Đồng đều có lời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, Công ty Mắc ca Việt (xã Hòa Trung, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) và các nông hộ liên kết đã khá thành công với những sản phẩm mắc ca truyền thống của mình.
Song, với mong muốn phát triển bền vững, tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ sức khỏe nông dân lẫn người tiêu dùng, công ty và các hộ liên kết đã kiên trì chuyển đổi sang hữu cơ mặc dù gặp không ít thách thức.
 
Mắc ca của công ty được tách vỏ bằng công nghệ sấy...
Mắc ca của công ty được tách vỏ bằng công nghệ sấy...
Chuyển đổi để tăng giá trị
Kể từ khi thành lập (năm 2014), Công ty Mắc ca Việt (xã Hòa Trung, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đã không ngừng phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng kênh phân phối. 
Ông Lưu Quốc Chính, Giám đốc công ty, cho biết: “Trung bình mỗi năm, công ty thu mua khoảng 70 đến 100 tấn mắc ca tươi; sau đó, sấy khô, chế biến và cung cấp cho các hệ thống phân phối hữu cơ trên toàn quốc - thu về từ 11 đến 12 tỷ đồng mỗi năm”. 
Với tổng diện tích hơn 100 héc ta của 50 nông hộ tham gia liên kết, công ty yên tâm về nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời, bà con được đảm bảo bao tiêu sản phẩm. Sản phẩm của công ty được khách hàng và đối tác đánh giá cao, đặc biệt, đạt chứng nhận OCOP 4 sao năm 2019.
Tuy nhiên, để tăng giá trị sản phẩm, phát triển bền vững và quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng, công ty và các nông hộ liên kết quyết tâm chuyển đổi sang sản xuất theo phương pháp hữu cơ. 
Từ 100 ha liên kết đó, công ty chọn ra 20 ha thuộc 7 nông hộ để thử nghiệm. Ngoài ra, công ty ký thỏa thuận thu mua với giá hơn 100.000 đồng/kg mắc ca tươi. Do vậy, các hộ liên kết tích cực chuyển đổi sang phương pháp mới. 
Ông Mai Văn Duyệt (56 tuổi) - chủ của 6 ha với hơn 1000 cây mắc ca tham gia thử nghiệm cho rằng, canh tác tác hữu cơ an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình, giá lại bán cao hơn 25% đến 3
0% so với mắc ca thông thường; do vậy, hơn 2 năm qua, gia đình ông đã không ngừng triển khai phương pháp sản xuất này.
Tự tin vượt qua rào cản
Như một phần trong tiêu chí sản xuất hữu cơ, các quy trình chăm bón được các nông hộ tuân thủ một cách nghiêm ngặt: sử dụng nguồn nước sạch, tách biệt khu vực sản xuất khỏi vùng ô nhiễm, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thay phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ hoặc phân bón ủ từ sinh - thực vật. 
Đặc biệt, công ty và bà con sử dụng các loại thiên địch để phòng trừ sâu bệnh. Do vậy, “ngoài trồng cỏ lạc để giữ độ ẩm, tạo nguồn vi sinh vật tăng độ mùn, độ tơi xốp của đất, công ty cũng đang thử nghiệm trồng rau má, vừa giữ được độ ẩm, vừa có thể tăng giá trị thu hoạch trên một diện tích” - ông Chính cho biết.
Tuy nhiên, ông Duyệt - một trong những nông hộ liên kết cho rằng: “Do đất đai và cây trồng trước đây được canh tác với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… nên thiên địch cũng vì thế mà bị tiêu diệt; do vậy khi chuyển đổi, cây sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều”. 
Để phòng ngừa và tiêu diệt sâu bệnh, ông sử dụng hỗn hợp ủ lên men gồm ớt, sả, riềng. Đối với phân bón, ông Duyệt sử dụng chuối ngâm thay cho Kali, cá ủ thay cho đạm. Đặc biệt, ông pha chế loại men ủ giúp phân ủ rã nhanh, giảm mùi hôi bằng hỗn hợp: chuối, cám, sữa chua, đu đủ, bí ngô, đường mật, men rượu… 
Bằng những giải pháp sáng tạo này, cây mắc ca trên diện tích chuyển đổi đã dần thích nghi với môi trường mới và sinh trưởng ổn định.
Để chuyển đổi sang môi trường hữu cơ, đất đai, vi sinh vật và cây trồng cần thời gian để thích ứng. Do vậy, “thời gian đầu, cây phát triển chậm, sản lượng giảm, trái xấu; phải đến hơn một năm sau, cây mới dần thích nghi”, nhưng phải “kiên trì đến năm thứ 3, cây mới cho sản lượng ổn định, trái to, đẹp và an toàn” - ông Duyệt chia sẻ. 
Đặc biệt, theo ông Chính “Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và phối hợp với các đơn vị khác để tư vấn, giúp công ty xây dựng mô hình. Nay, 5 ha trong số 20 ha thử nghiệm đã có những tín hiệu khả quan, chất đất, hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… được cải thiện rõ rệt. Công ty đang cố gắng duy trì mọi tiêu chí để được kiểm tra chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ của châu Âu vào cuối năm này”.
Vẫn còn nhiều thách thức phía trước mà công ty và bà con phải vượt qua để tiến tới sản xuất hữu cơ hoàn toàn. Điều lo ngại nhất, theo ông Chính, là “tạo ra vùng đệm sản xuất, do xung quanh vẫn còn nhiều diện tích nông nghiệp sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… dễ dàng khuếch tán qua đường không khí và mạch nước ngầm”. 
Ngoài ra, “nếu sản lượng không khá lên trong những năm tiếp theo, bà con dễ nản chí”, ông Chính nói thêm.
Đứng trước những thách thức này, Công ty Mắc ca Việt và nhiều bà con vẫn kiên trì thực hiện cũng bởi niềm tin mãnh liệt vào giá trị sản phẩm mắc ca hữu cơ. 
Bởi, mắc ca sấy khô và các sản phẩm chế biến từ mắc ca hiện rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế như châu Âu, Trung Đông, Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Mặt khác, sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng càng dành nhiều quan tâm và chi tiêu cho các sản phẩm hữu cơ, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì lý do đó, ông Chính khẳng định, “công ty và các nông hộ liên kết sẽ tiếp tục kiên trì và nỗ lực đến cùng để có sản phẩm mắc ca hữu cơ chất lượng nhất trong những năm tới”.
Theo Nhật Quỳnh (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.