Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) ngày 5-8-2008, (trong bài viết này gọi là Nghị quyết 26) đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Từ ngày thành lập, cho dù còn trong gian khổ, chiến tranh ác liệt, nhưng Đảng ta luôn coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đó là những vấn đề rất lớn có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau.
Ảnh: Bích Hà |
Trong hơn 26 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vấn đề “tam nông” một lần nữa được đặc biệt quan tâm, trong đó Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương và chính sách đầu tư cho lĩnh vực này. Với địa bàn Tây Nguyên, Nghị quyết 10, ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) và trước đó là Quyết định 168, ngày 30-10-2001 của Thủ tướng Chính phủ hướng đến đầu tư xây dựng Tây Nguyên phát triển một cách toàn diện, ổn định và bền vững trong thời kỳ mới. Và liên tục các năm sau đó cho đến nay, với những chính sách đầu tư từ những chương trình mục tiêu cụ thể, sát thực với nhu cầu đời sống cư dân của Trung ương và địa phương nhằm phát triển cả về hệ thống kết cấu hạ tầng sản xuất lẫn hạ tầng xã hội; cùng với đó là những chính sách mở cửa, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị quân đội làm kinh tế, do đó bộ mặt nông thôn của các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đã có bước phát triển toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của đại đa số đồng bào các dân tộc nơi đây dần đi vào ổn định và ngày một nâng cao.
Ảnh: Bích Hà |
Tiếp tục khẳng định sự quan tâm đối với mặt trận nông nghiệp và vấn đề nông thôn, nông dân, một chủ trương lớn đang được vận động thực hiện-Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với một hệ thống tiêu chí cần đạt được cho đến khi hoàn thiện. Triển khai thực hiện Nghị quyết 10 và Nghị quyết 26 trên địa bàn Gia Lai, sau nhiều năm trở lại đây tổ chức xây dựng thí điểm nông thôn mới ở một số địa phương, những bài học kinh nghiệm bước đầu đã được rút ra, những kết quả đạt được và cả những yếu kém cũng đã được nhìn nhận nghiêm túc (chúng tôi sẽ trở lại nội dung này trong bài viết của kỳ sau). Từ đó, mới đây Tỉnh ủy khóa XIV đã ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức triển khai đến tận cơ sở.
Cả hệ thống chính trị đang tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đề ra các bước thực hiện hiệu quả và xác định chủ thể của cuộc vận động là từ cơ sở, từ từng người nông dân và vai trò định hướng và hỗ trợ từ chính quyền. “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới…” và “trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân”-Nghị quyết 26 khẳng định. Từ khẳng định nói trên của Trung ương, việc tuyên truyền, giáo dục để bà con nông dân và cán bộ cấp cơ sở nhận thức rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình là việc chúng ta cần coi trọng, là việc phải ưu tiên làm và làm đồng thời với các bước triển khai của chương trình.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một bước tiếp tục khẳng định sự luôn quan tâm đến lĩnh vực “tam nông” của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, thực hiện kinh tế thị trường nhưng phải đảm bảo theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo bền vững của môi trường và an sinh xã hội; quốc phòng-an ninh, chính trị và trật tự xã hội phải được giữ vững; hệ thống chính trị không ngừng được xây dựng, củng cố và hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả…; đúng với tinh thần, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra!