(GLO)- Krông Pa là một trong những huyện có diện tích mì, mía, lúa tương đối lớn. Tuy nhiên lâu nay, người dân chủ yếu sản xuất theo phương thức thủ công, nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất, sản lượng và chất lượng không cao, lợi nhuận thu được thấp. Để đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Krông Pa tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng, trong đó cây mía được chọn làm đầu tiên.
Mong muốn đẩy nhanh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cây mía, nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân, năm 2017, xã Ia Mlah đã tiên phong triển khai thí điểm mô hình cánh đồng lớn. Thế mạnh của xã là có diện tích đất rộng và được hưởng lợi từ công trình thủy lợi Ia Mlah, đảm bảo nguồn nước tưới cho cây mía nên việc áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch rất thuận lợi, không tốn nhiều công lao động mà năng suất, sản lượng lại tăng so với phương thức sản xuất trước đây.
Thu hoạch mía bằng cơ giới tại xã Ia Mlah. Ảnh: Q.N |
Ông Vũ Quang Huy-Chủ tịch UBND xã Ia Mlah, cho biết: “Xây dựng cánh đồng mía lớn là chủ trương của huyện. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mô hình cánh đồng mía lớn, chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai trong việc triển khai thực hiện. Công ty cũng đã hỗ trợ các hộ chuyển đổi trồng mía là 2 triệu đồng/ha, chuyển đổi áp dụng cơ giới hóa là 3 triệu đồng/ha và hỗ trợ tưới bằng béc 3 triệu đồng/ha. Xã phấn đấu vận động các hộ dân liên kết tạo ra cánh đồng lớn với diện tích 30 ha và liên thửa là 5 ha trở lên để đảm bảo cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch”.
Việc triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của huyện Krông Pa trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Đặc biệt, đây cũng là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong năm 2017, huyện lên kế hoạch triển khai cánh đồng mía lớn tại khu vực tổ dân phố 14, 15 (thị trấn Phú Túc), diện tích khoảng 100 ha; khu vực xã Ia Mlah, diện tích 300 ha và sẽ tăng lên khoảng 500 ha do thuận lợi gần hệ thống kênh tưới công trình thủy lợi Ia Mlah và khu vực cuối kênh N11 của công trình thủy lợi Ia Mlah thuộc địa bàn thị trấn Phú Túc; xã Phú Cần, diện tích gần 100 ha. Hiện các doanh nghiệp đang có các chính sách đầu tư, đặc biệt là sự hợp tác của Công ty TNHH Thành Thành Công Gia Lai.
Ngoài triển khai xây dựng cánh đồng lớn đối với cây mía, huyện Krông Pa đang xây dựng kế hoạch triển khai cánh đồng lớn đối với cây mì và lúa. Theo đó, đến năm 2020 sẽ xây dựng 5 cánh đồng lớn trồng mì với diện tích khoảng 3.140 ha và đến năm 2025 tiếp tục xây dựng 10 cánh đồng lớn với diện tích 6.285 ha. Còn đối với cây lúa, sẽ xây dựng cánh đồng lớn với diện tích khoảng 342 ha tập trung ở xã Phú Cần và xã Uar. |
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện dành một phần kinh phí từ nguồn đầu tư sự nghiệp để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất cây mía. Năm nay, chúng tôi xây dựng mô hình để hỗ trợ bà con về hệ thống bơm tưới một phần, còn hệ thống tưới bằng béc thì đang phối hợp với các doanh nghiệp triển khai tại 2 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện là Ia Mlah và Phú Cần. Chúng tôi đang tập trung trong năm 2017 có mô hình để bà con nông dân tham quan học tập”.
Cũng theo ông Đinh Xuân Duyên thì việc triển khai cánh đồng lớn cũng gặp không ít khó khăn trở ngại, đất đai trên địa bàn huyện không bằng phẳng, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa sản xuất. Việc đầu tư của doanh nghiệp chưa có, mới chỉ có ở cây mía, còn cây mì thì bà con vẫn phải trồng tự do. Huyện cũng mong muốn sẽ có sự liên kết bốn nhà trong nông nghiệp nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Tuy nhiên, để cánh đồng lớn chuyên canh phát huy hiệu quả, các địa phương cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư khuyến khích dồn điền đổi thửa. Các doanh nghiệp chủ động phối hợp với địa phương đầu tư hợp lý ở những nơi có điều kiện thuận lợi như nguồn nước, đường điện, giao thông… Đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tham gia xây dựng, mở rộng cánh đồng lớn; tranh thủ các nguồn vốn, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng các loại cây trồng.
Quang Ngọc