(GLO)- Nhờ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, công tác giảm nghèo của huyện Krông Pa đã đạt những kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,53% (tương ứng với 3.060 hộ); đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.
CHÚ TRỌNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG
Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa-cho hay: Để công tác giảm nghèo phát huy hiệu quả, huyện đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước đến người dân. Cùng với đó là tập trung vận động người dân phát huy nội lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp của huyện Krông Pa đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo ở địa phương. Cụ thể, MTTQ và các đoàn thể huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ nghèo nhằm làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ chính sách giảm nghèo; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống.
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, công tác vận động hỗ trợ hộ nghèo luôn được các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, các nhà hảo tâm tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu, MTTQ huyện đã hỗ trợ làm nhà cho 6 hộ nghèo với tổng kinh phí 240 triệu đồng; hỗ trợ 10 hộ nghèo tại buôn Prong (xã Ia Mlah) mua bò, dê sinh sản và phân bón đầu tư phát triển sản xuất với kinh phí 60 triệu đồng. Hội Nông dân huyện phối hợp với các công ty mua phân bón trả chậm cho nông dân; vận động, hỗ trợ gia đình hội viên làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện thành lập 22 mô hình “Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng”; hàng năm các cấp Hội trao tặng hơn 1,7 tấn gạo, 409 suất quà, 40 con heo đất cho 514 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 143 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh huyện vận động xây dựng Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” được 700 triệu đồng để hỗ trợ hội viên nghèo làm nhà ở, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó, Krông Pa từ một huyện nghèo vào hàng nhất, nhì tỉnh thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, hiện chỉ còn 15,53%.
Hội Cựu chiến binh huyện Krông Pa hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo xã Đất Bằng. Ảnh: Đ.Y |
TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Là huyện còn nhiều khó khăn, Krông Pa được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để giảm nghèo bền vững. Theo đó, nguồn vốn Chương trình 135 năm 2019 đã hỗ trợ cho 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện hơn 14 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn; cấp bò sinh sản cho 106 hộ nghèo; hỗ trợ giống cây điều, mì, rau và phân bón cho 345 hộ nghèo khác. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho 2.838 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 102,7 tỷ đồng. Huyện cũng đã cấp 84.912 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng khác; mở 19 lớp dạy nghề cho 484 lao động nông thôn. Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên huyện Krông Pa triển khai thực hiện 13 mô hình hỗ trợ giống dê sinh sản, giống gà cho 213 hộ trên địa bàn 5 xã đặc biệt khó khăn: Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng, Chư Ngọc và Đất Bằng với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển-Chi nhánh tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí giúp 12 hộ nghèo làm nhà ở (50 triệu đồng/hộ).
Nói về ý nghĩa của các dự án, chương trình giảm nghèo, ông Kpă Phan-Phó Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho hay: Đất Bằng là xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đầu năm 2019, toàn xã có 339 hộ nghèo, chiếm 33,4%. Nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ triển khai hiệu quả, đến thời điểm này, toàn xã đã giảm được 42 hộ nghèo, tương đương 12,4%.
Đánh giá về kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Kpă Ngun-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Với mục tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 4% trở lên số hộ nghèo, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tạo chuyển biến rõ nét. “Ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, điều quan trọng là phải tạo được sinh kế bền vững để các hộ đã thoát nghèo không tái nghèo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức để hộ nghèo tự nỗ lực vươn lên trên cơ sở hỗ trợ sinh kế”-ông Ngun cho biết thêm.
ĐINH YẾN