(GLO)- Từ một làng đồng bào dân tộc Jrai lạc hậu, đời sống vật chất vô cùng khó khăn, đến nay nhờ tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực của người dân và sự tiếp sức có hiệu quả của “tỷ phú” Kpui Chel, làng Gron (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đã trở nên sung túc.
Anh Kpui Chel (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Lê Quang |
Từ quốc lộ 19 rẽ vào làng Gron là con đường mới được bê tông rộng rãi, phẳng phiu. Hai bên đường là những vườn cà phê nở bông trắng xóa, những cánh rừng cao su xanh tốt và những ngôi nhà mới xây cao ráo, to đẹp. Trên đường là những chiếc xe chở mì, hạt điều liên tục xuôi ngược. Cảnh vật đó minh chứng cho một vùng nông thôn trù phú, phát triển.
Gặp nhau từ đầu làng, ông Rơ Ma Bum (67 tuổi, già làng Gron) vừa dẫn chúng tôi tham quan một số công trình mới xây dựng theo chương trình nông thôn mới, vừa giới thiệu: “Làng Gron hiện có 181 hộ, trên 641 khẩu, tất cả đều là người Jrai. Trước năm 2000, đời sống bà con ở đây rất khổ cực. Thương bà con mình, thằng Kpui Chel (Đội phó Đội 10, Công ty 75, Binh đoàn 15) đến từng nhà vận động thanh niên trong làng vào làm công nhân cho Công ty 75, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa nước, cà phê, cao su và nuôi thêm con heo, con bò để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thấy Kpui Chel nói điều hay, lại làm được nhiều việc tốt, có ích, thế là bà con nghe theo. Đến nay, dân làng đã trồng được gần 210 ha cao su tiểu điền, 150 ha điều, gần 300 ha mì và hàng ngàn trụ tiêu, riêng Chel đã trồng 6 ha cao su, 2 ha điều, 2 ha mì và 400 trụ tiêu".
Người Jrai ở làng Gron đã làm nên một điều kỳ diệu ở vùng biên giới Gia Lai. Chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, họ đã biến một làng nghèo khó, thành một làng trù phú. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, hộ đói không còn, hộ khá, hộ giàu tăng. Hộ nghèo khó từ 97 hộ năm 2000 nay chỉ còn 10 hộ (theo tiêu chí mới). Đây là kết quả của sức mạnh đoàn kết, phát huy nội lực vượt qua khó khăn của bà con, trong đó công lao rất lớn của đảng viên Kpui Chel.
Gặp chúng tôi, Kpui Chel nói như khoe: “Vợ chồng mình mới xây nhà và mua chiếc ô tô để đi làm, đưa con cái đi học cho tiện. Mặc dù có xe ô tô, nhưng nhà mình cũng chưa nhiều tiền lắm đâu. Hộ gia đình Rah Lan Linh, Rơ Châm Thin, Rơ Châm Tel…mỗi năm thu về 150-200 triệu đồng. Nhiều hộ thu cây trái trong vườn một năm cũng từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về “Phương pháp vận động bà con dân làng đi theo mình để phát triển kinh tế”, Kpui Chel bộc bạch: "Trước đây, dân làng mình khó khăn lắm, các tệ nạn, hủ tục cũng nhiều, có người còn nghe bọn xấu vượt biên sang Campuchia. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Công ty 75 đã phân công mình bằng mọi cách tiếp cận, giúp đỡ bà con xóa đi cái đói, giảm được cái nghèo, ổn định cuộc sống. Thực hiện nhiệm vụ, mình rất lo lắng. Mình nghĩ, trước hết phải gần gũi, gắn bó và trở thành con em trong các gia đình, bạn thân tình của mọi người. Thế là hàng ngày, không quản nắng mưa, mình chủ động đến với bà con, tìm hiểu và nắm bắt được những vấn đề trong cuộc sống của dân, biết được bà con khó khăn về vốn, hay giống, mùa này họ muốn trồng cây gì, nuôi con gì, áp dụng phương thức canh tác nào cho có hiệu quả".
Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nói hay nhưng phải làm được, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong đi đầu thì bà con mới nghe và làm theo. Thế là Kpui Chel ngày đêm phát quang bụi rậm, mở rộng diện tích trồng thêm cây điều, cao su, hồ tiêu và cả cây mì với phương thức trồng xen canh “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa làm anh vừa vận động bà con cùng làm theo, gia đình nào thiếu cây giống ít thì anh hỗ trợ, nhiều thì cho mượn, các hộ nghèo khó anh cho vay tiền, không tính lãi. Các công trình dân sinh trong làng, như xây dựng nhà vệ sinh, đường làng… Chel xung phong đi đầu và hỗ trợ kinh phí. Việc làm của Chel đã giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn cải thiện đời sống, giúp họ từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững, từ đó quần chúng cùng làm theo.
Đến với bà con, Chel đã nêu cao tính gương mẫu, tinh thần quyết tâm, kiên trì thuyết phục, giải thích cho người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của chương trình phát triển kinh tế hộ gia đình; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng gia đình, thôn làng văn hóa. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con, hạn chế tư tưởng ỷ lại; giúp người dân tin tưởng, chủ động sản xuất và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Nhờ sự quan tâm, chia sẻ với dân làng và tính tiên phong gương mẫu của Kpui Chel, nhiều gia đình ở làng Gron đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Chel luôn tâm niệm và noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để học tập, rèn mình như lời Bác đã dạy: Cán bộ, đảng viên phải đi trước, thấy cái lợi thì phải giúp dân, cái hại thì tránh, tận tâm, tận lực làm hết trách nhiệm của mình với mọi công việc.
Lê Quang