Kon Tum vẫn còn xảy ra các vụ phá hoại rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện 39 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, khối lượng gỗ vi phạm gần 60,3m3, thiệt hại hơn 5,4 ha rừng. So với năm 2022, cả ba tiêu chí số vụ, khối lượng gỗ và diện tích thiệt hại đều giảm sâu.
Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN
Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Tuy nhiên, vẫn xảy ra các vụ vi phạm nghiêm trọng, phá hoạt rừng, dẫn tới phải xử lý hình sự nên Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2024.

Cụ thể, Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ đầu năm 2023 đến nay đã giảm 44 vụ, giảm hơn 359 m3 gỗ, giảm trên 26,6 ha rừng thiệt hại so với cùng kỳ năm 2022. Tính cả 23 vụ vi phạm từ năm 2022 chuyển sang, lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã xử lý 48 vụ; trong đó, xử lý hành chính 40 vụ, xử lý hình sự 4 vụ và 4 vụ việc hết thời hiệu xử lý, quá trình điều tra xác minh không xác định được đối tượng vi phạm.

4 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp bị xử lý hình sự gồm 2 vụ hủy hoại rừng xảy ra trên địa bàn huyện Kon Rẫy tại tiểu khu 509 và tiểu khu 510, lâm phần do cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý thuộc xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy, làm thiệt hại hơn 2,9 ha rừng tự nhiên; 2 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đăk Hà tại tiểu khu 327 do hộ gia đình quản lý và tiểu khu 347, rừng giao cho cộng đồng dân cư quản lý với tổng khối lượng trên 40,4 m3 gỗ tròn, quy tròn.

Toà án nhân dân các cấp đã đưa ra xét xử 4 vụ việc trên, tuyên phạt 13 bị cáo với mức hình phạt từ 9 tháng đến 7 năm tù giam, có 2 trường hợp cho hưởng án treo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp nhận định, dù số vụ vi phạm Luật lâm nghiệp giảm đều cả ba tiêu chí so với năm trước, song việc theo dõi, kiểm tra, giám sát quản lý, bảo vệ rừng của các dự án được giao rừng, cho thuê rừng còn chưa chặt chẽ, dẫn đến có tình trạng tài nguyên rừng bị mất, xâm hại nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Từ đó, ông Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và tố giác các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gắn với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao sức răn đe, giáo dục của pháp luật.

Đặc biệt, các đơn vị chú trọng vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Theo thống kê, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hơn 780.000 ha; trong đó, diện tích đất có rừng đạt xấp xỉ 610.000 ha, với hơn 547.600 ha rừng tự nhiên và trên 62.000 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 63,12%, tăng 0,7% so với cuối năm 2022. Tỉnh Kon Tum cũng đặt mục tiêu năm 2024, toàn tỉnh sẽ trồng mới được 3.000 ha rừng, 500 ha Sâm Ngọc Linh và 1.560 ha dược liệu khác.

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.