Kon Tum: Hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 20.000 người lao động làm việc tại gần 1.000 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum chi trả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đến chiều 14/10, đơn vị đã chi trả cho 1.858 người lao động với số tiền gần 4,6 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum chi trả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đến chiều 14/10, đơn vị đã chi trả cho 1.858 người lao động với số tiền gần 4,6 tỷ đồng.



Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ người lao động, đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum đã và đang tiến hành các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động cũng như các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

Tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã nhanh chóng triển khai, rà soát các đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Qua quá trình rà soát, đơn vị xác định toàn tỉnh hiện có gần 17.000 người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cũng như người lao động có thời gian bảo lưu chưa hưởng bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ với mức thấp nhất là 1,8 triệu đồng và cao nhất là 3,3 triệu đồng/người. Ngoài ra, gần 900 đơn vị, doanh nghiệp được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% trong 12 tháng, kể từ ngày 1/10.

Ông Võ Công Đức, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, ngay sau khi có nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện trên tinh thần khẩn trương, kịp thời, chính xác, rút ngắn các thủ tục hành chính cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Dự kiến, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ chi khoảng 51 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và giảm thu Bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị sử dụng lao động số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Đến hết ngày 14/10 đã có 1.858 người lao động nhận được gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả gần 4,6 tỷ đồng.

“Trước khi chi trả Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội tỉnh Kon Tum đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng để xác định mức hỗ trợ của mỗi người lao động. Hiện nay, tất cả người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đều được chuyển khoản thay vì nhận tiền mặt để tránh tiếp xúc; để thuận tiện trong việc chi trả qua tài khoản, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn như Vietcombank hay BIDV để mở thẻ miễn phí cho người lao động có nhu cầu”, ông Võ Công Đức chia sẻ.

Ông Lê Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV tư vấn và xây dựng Trường Xuân (thành phố Kon Tum) cho biết, doanh nghiệp hiện có 8 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đơn vị cũng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, doanh thu giảm sút so với cùng kỳ các năm. Vừa qua, toàn bộ lao động của doanh nghiệp đã được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền từ 1,8-2,6 triệu đồng, doanh nghiệp cũng được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% trong một năm, nhờ đó giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng nguồn thu nhập cho người lao động trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đã tiến hành hỗ trợ cho 879 doanh nghiệp với trên 16.100 lao động với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, với việc phê duyệt hỗ trợ cho 82 hộ kinh doanh với số tiền 246 triệu đồng; hỗ trợ trên 450 người lao động, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và người thực hiện cách ly y tế F1 với số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và xã hội tỉnh Kon Tum, triển khai nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các huyện, thành phố, các ngành liên quan của tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; chủ động rà soát, hướng dẫn người lao động và đơn vị sử dụng lao động thực hiện nộp hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, một khó khăn là hiện nay, đối với người lao động tự do, không có hợp đồng lao động thì theo Nghị quyết 68/NQ-CP phải xem xét bổ sung, hỗ trợ phù hợp ngân sách địa phương. Trong khi đó, điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Hiện nay, một lượng lớn lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai, sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung theo quy định, Sở sẽ xem xét hỗ trợ theo quy định. Đồng thời, Sở sẽ tổ chức triển khai cung cấp dịch vụ tư vấn về việc làm, chính sách lao động – việc làm, đào tạo nghề phù hợp nhu cầu, nguyện vọng về việc làm đối với người lao động trên từng địa bàn huyện, thành phố, cũng như liên hệ với các tỉnh có nhu cầu lao động để hỗ trợ, giúp đỡ việc làm ổn định cho nhóm đối tượng này, ông Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh.

Đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum cũng đã tiến hành thăm hỏi, động viên kịp thời. Theo ông Lê Ích Dàng, Phó Giám đốc Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2021 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ các đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền gần 500 triệu đồng; hỗ trợ 625 triệu đồng để xây dựng 13 căn nhà cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh huy động các công đoàn trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các chốt phòng dịch, các điểm cách ly và người dân đi qua địa bàn để về quê; đặc biệt đã huy động được trên 58 tấn rau, củ, quả tươi trị giá hơn 800 triệu đồng để chuyển vào hỗ trợ nhân dân tỉnh Bình Dương chống dịch.

Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ người lao động của Chính phủ, của tỉnh đến với đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia giám sát các cấp chính quyền thực hiện công tác hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giám sát việc thực hiện pháp luật công đoàn của các doanh nghiệp; thăm hỏi, động viên người lao động đang trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, cũng như gặp khó khăn bởi dịch bệnh.

Việc hỗ trợ, thăm hỏi, động viên kịp thời đối với người lao động và các đơn vị sử dụng lao động của các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cho thấy sự đúng đắn, cần thiết mà các chính sách của Trung ương và địa phương mang lại. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, mà còn cho thấy sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, người lao động trong việc đẩy lùi dịch bệnh, sớm khôi phục lại nền kinh tế đất nước.

Theo  Dư Toán (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm