Trong thời đại công nghệ, internet, mạng xã hội bùng nổ hiện nay, việc phát triển thương mại điện tử, đưa các sản phẩm lên các trang thương mại điện tử là lối đi nhanh nhất đến với người tiêu dùng.
|
Sản phẩm của Hợp tác xã nuôi trồng nấm Đông Trùng Hạ Thảo Kon Tum được đưa lên các sàn thương mại điện tử, giúp tăng doanh số từ 200 – 300%. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2022 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, Kon Tum chỉ đạt 10,7 điểm, xếp thứ 54/56 tỉnh, thành tham gia xếp hạng.
Điều này cho thấy, việc phát triển thương mại điện tử tại Kon Tum còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo ra được sự đột phá trên thị trường “thế giới phẳng” rộng lớn.
Cụ thể, đối với 3 chỉ số thành phần trong xếp hạng chỉ số thương mại điện tử, Kon Tum đều có thứ hạng khá thấp: đạt 11 điểm ở chỉ số thành phần nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (xếp hạng 51/56); 10,8 điểm ở chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (xếp hạng 55/56); đạt 10,5 điểm ở chỉ số thành phần giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (xếp hạng 48/56).
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, những năm qua, việc đưa các sản phẩm của người dân, doanh nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử luôn được tỉnh Kon Tum chú trọng.
Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã hỗ trợ đưa xấp xỉ 1.000 sản phẩm của gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp; 658 sản phẩm của 428 doanh nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như http://voso.vn, https://postmart.vn, https://kontumtrade.gov.vn...; trong đó, có toàn bộ 164 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử; trong đó có việc đưa các sản phẩm của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn như hoạt động còn nhỏ lẻ, chưa có phương án lâu dài, chưa theo được nhu cầu của thị trường nên hiệu quả không cao.
|
Sản phẩm của Công ty TNHH Yến sào Kon Tum được đưa lên các sàn thương mại điện tử, giúp tăng doanh số cho đơn vị sản xuất. Ảnh: Dư Toán - TTXVN |
Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển, bảo quản nông sản tươi hay chế biến, bảo quản lạnh đưa đến tay người tiêu dùng… của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế cũng gây khó khăn cho việc phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
“Các sàn thương mại như voso, postmart hay kontumtrade bước đầu đã có những thành công lớn như đưa thông tin, giới thiệu sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng cả nước. Tuy nhiên, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp thị, marketing cũng như áp dụng các hình thức tiếp cận khách hàng và việc thanh toán điện tử còn gặp rất nhiều khó khăn, không thể so sánh với các sàn thương mại điện tử có thâm niên như tiki, lazada hay sendo”, ông Nguyễn Quang Hòa phân tích.
Ông Đoàn Quốc Anh Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng nấm Đông Trùng Hạ Thảo Kon Tum cho biết, hiện nay, đơn vị đang có 6 sản phẩm đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử của cả tư nhân cũng như của nhà nước quản lý.
Khi đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hợp tác xã đã tiếp cận được với khách hàng nhiều hơn, quảng bá được thương hiệu sản phẩm của tỉnh Kon Tum ra với các khách hàng trong nước. Nhờ đó, doanh số bán ra đã tăng từ 200 – 300% so với trước kia.
“Các sàn thương mại điện tử tư nhân sẽ thuận tiện hơn cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc đưa các sản phẩm của mình lên, song sẽ gặp bất lợi trong việc kiểm tra chất lượng, xuất xứ của hàng hóa. Đối với các sàn thương mại điện tử nhà nước, tuy nguồn gốc, chất lượng được đảm bảo do có sự kiểm chứng từ phía tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở quảng bá, chứ chưa thực sự phát triển về thương mại, nhất là đối với trang thương mại điện tử của tỉnh kontumtrade”, ông Đoàn Quốc Anh Khôi cho biết thêm.
Có chung quan điểm, ông Đặng Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Kon Tum cũng cho rằng, hiện nay các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh vẫn chưa tạo ra được “sức bật” cho các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa lên. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sàn thương mại điện tử của tỉnh kontumtrade chưa phát triển mạnh mảng thương mại.
Ông Nguyễn Quang Hòa cho rằng, để một sàn thương mại điện tử hoạt động tốt trong cả khâu marketing lẫn thanh toán trực tuyến, vận chuyển, dịch vụ logistic,… cần có một bộ máy nhân lực bài bản để làm việc. Tuy nhiên, đối với sàn kontumtrade, nguồn lực quản lý, nhân lực làm việc chưa nhiều, nên khó có thể tạo ra sự đột phá, hoạt động bài bản như các sàn thương mại điện tử tư nhân.
“Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình B2C tiên tiến trên thế giới, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, các thức quảng bá, marketing hiệu quả cho các website thương mại điện tử, nhất là đối với sàn kontumtrade. Đồng thời, duy trì hệ thống, nâng cấp quản lý sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum ngày một hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại trên thế giới phẳng”, ông Nguyễn Quang Hòa nhấn mạnh.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh về vai trò, vị trí của thương mại điện tử; sử dụng các công nghệ phục vụ phát triển thanh toán trực tuyến, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử.
Song song với đó, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục xây dựng và chuẩn hóa hệ thống sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng, nhận diện thương hiệu sản phẩm của Kon Tum trên các sàn thương mại điện tử.
Theo Dư Toán/TTXVN