(GLO)- Sau 11 năm hình thành, làng tái định cư Kơ Tu Dơng (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) đã mang một diện mạo khác hẳn. Cuộc sống của người dân khởi sắc từng ngày.
Buồn-vui làng mới
Năm 2009, huyện Mang Yang khởi công xây dựng làng tái định cư Kơ Tu Dơng theo nguồn vốn chương trình định canh-định cư của Chính phủ. Khu đất trống rộng 7 ha trên một ngọn đồi đối diện trụ sở UBND xã Hà Ra được chọn lập làng tái định cư với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. 2 năm sau ngày khởi công xây dựng, 68 hộ thiếu đất ở và đất sản xuất ở làng Kon Chara hân hoan chuyển về Kơ Tu Dơng.
Chúng tôi may mắn được tham dự lễ cúng làng mới hôm ấy. Không thể diễn tả hết được niềm vui của 68 hộ dân. Mà không vui sao được, bởi bấy lâu nay họ nghèo đến mức không đủ tiền mua một mảnh đất làm nhà ở, thì nay lại được cấp một ngôi nhà xây kiên cố rộng 28 m2 cùng khu vườn rộng 3 sào. Có cả một khu đất sản xuất cách làng độ vài chục bước chân, mỗi hộ 2 sào.
|
Một góc làng Kơ Tu Dơng. Ảnh: N.T |
Trưởng thôn Kơ Tu Dơng khi ấy là anh Hế, bảo: “Trước đây, cả 68 hộ đều không có nhà riêng, phải ở chung với bố mẹ, anh em. Có nhà 3 thế hệ với hơn 10 người cùng chung sống. Nhà sàn bé nhỏ mà đông người ở chung, rắc rối lắm! Ai cũng muốn ra riêng nhưng không có tiền làm nhà. Đất sản xuất cũng không có nên quanh năm thiếu đói. Được Nhà nước cho nhà và đất để trồng trọt, dân làng mừng lắm”. Còn ông Tung thì trải lòng: “Mình cứ ước mãi một cái nhà riêng cho vợ con mà không có tiền mua đất làm nhà, phải ở chung với bố mẹ. Hôm đến nhận nhà, mình mừng đến phát khóc vì chưa tin là thật. Vợ và các con mình cũng mừng lắm, hết dọn nhà lại ra vườn làm hàng rào rồi cuốc đất trồng cây”.
Trong khi mọi người còn ăn uống ở nhà sinh hoạt cộng đồng, tôi tha thẩn dạo quanh làng. Những ngôi nhà xây kiên cố được bố trí dọc theo 2 con đường đất song song. Đất đai được san ủi bằng phẳng. Làng mới, đất mới nên chỉ một cơn gió thoảng qua là bụi đỏ bay mù trời. Cây cối đã bị đốn hạ để xây dựng cơ sở vật chất nên thiếu nơi che mát trong tiết trời nóng như thiêu đốt. Quá trưa, dân làng tản bộ trên đường về nhà, chỉ còn lác đác vài người ở lại nhà sinh hoạt cộng đồng.
Hơn 1 tháng sau, chúng tôi trở lại thăm làng. Niềm vui của các hộ dân chừng như lắng xuống. Ẩn chứa trong họ nhiều điều khó nói. Bởi đã được Nhà nước hỗ trợ nhà cửa, đất đai mà đòi hỏi thêm thì không hay, mà không nói ra thì phải chịu đựng. Ấy là việc làng ở trên đồi cao, cộng với trời nắng nóng nhưng thiếu bóng mát, trong khi diện tích nhà nhỏ và chưa có điện. Thêm nữa, việc hệ thống nước sạch không đủ cho sinh hoạt, cây cối mới trồng chết khô do thiếu nước tưới. Ông Tung bảo: “Trời nắng nóng mà thiếu nước trầm trọng nên nhiều hộ bỏ về làng cũ ở cùng với bố mẹ như trước, nhiều hộ khác vào nhà đầm ở. Vận động mãi nhưng họ không nghe, đành chịu”.
Ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Hà Ra: “Làng Kơ Tu Dơng có điều kiện kinh tế phát triển nhất trong số 7 làng dân tộc thiểu số của xã. Cuộc sống của các hộ dân có nhiều khởi sắc kể từ khi lập làng đến nay. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ đưa làng này về đích nông thôn mới. Xã đang kêu gọi dân làng tích cực đóng góp công sức; vận động các đơn vị Quân đội, Công an kết nghĩa hỗ trợ kinh phí, ngày công hoàn thiện một số hạng mục hạ tầng tại đây. Ngoài ra, chúng tôi vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm; triển khai các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập”. |
Một thời gian sau, điện lưới được kéo về từng nhà; hệ thống nước sinh hoạt và kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng đã tiếp thêm sinh khí cho làng tái định cư Kơ Tu Dơng. Những hộ dân rời làng do thiếu thốn đã quay về. Bà con bắt tay cải tạo vườn tược, ruộng rẫy. Cây cối bám rễ đất mới rồi lên xanh, giúp đời sống của các hộ dân nơi đây từng bước được cải thiện. Mái trường nơi đầu làng rộn tiếng học bài của đám trẻ.
Kơ Tu Dơng khởi sắc
Sau 11 năm, làng tái định cư Kơ Tu Dơng đã thay đổi nhiều. Từ trụ sở UBND xã Hà Ra nhìn về phía đối diện sẽ thấy màu xanh, đỏ của mái tôn lợp nhà xen lẫn trong màu xanh của cây cối. Có cảm giác Kơ Tu Dơng như một khu phố thu nhỏ và thân thiện với môi trường.
|
Ngôi nhà xây khang trang của vợ chồng anh Tí. Ảnh: N.T |
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân-Bí thư chi bộ và ông Tun-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Kơ Tu Dơng cùng chúng tôi dạo quanh làng. Con đường dài khoảng 1 km nối làng với quốc lộ 19 và 2 đường giao thông nội làng nay đã được rải nhựa phẳng phiu. Cây xanh hai bên đường vươn cao thẳng tắp. Cái nắng gắt mùa khô Tây Nguyên như tan biến khi đứng dưới hàng cây tỏa bóng này. Đa phần vườn nhà dân có hàng rào bao quanh, có nhiều nhà xây tường kiên cố. Nhiều ngôi nhà xây to đẹp thay thế cho nhà tái định cư trước đó. Đám trẻ con tụ tập dưới mấy cây to vui chơi. Cánh đồng lúa xanh ngắt một màu, xa xa thấp thoáng bóng người nhổ cỏ, người lấy nước…
11 năm-chặng đường không quá dài nhưng đủ để giúp cho cuộc sống của dân làng Kơ Tu Dơng sang trang mới. Từ ngôi nhà xây cùng diện tích đất vườn rẫy được Nhà nước hỗ trợ ban đầu, bằng đôi bàn tay cần cù, nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên có cuộc sống khấm khá. Điển hình là gia đình ông Sứ. Đây là hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhất làng Kơ Tu Dơng. Gia đình ông Sứ đã xây được một ngôi nhà trị giá hơn 500 triệu đồng thay thế cho ngôi nhà cũ; có rẫy trồng 1.000 cây cà phê, 4 sào đất trồng mì cùng 5 sào đất trồng lúa, cây ăn quả.
Hộ có điều kiện kinh tế khá giả thứ 2 ở làng là gia đình anh Tý. Với 5 sào đất được cấp, anh trồng cà phê, lúa. Ngoài ra, anh còn mua được 3 sào đất rẫy trồng cây ăn quả. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Tý chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước mà cuộc sống gia đình mình tốt hơn trước đây rất nhiều. Hồi mới sang, vợ chồng mình tay trắng. Qua mấy năm tích góp, gia đình đã mua được 2 xe máy, xe công nông, xây thêm phần trước cho ngôi nhà hết hơn 100 triệu đồng, mua được 4 sào đất rẫy. Mình có 3 đứa con, 2 đứa đầu đang học tiểu học, bé sau còn nhỏ. Gia đình mình không còn cảnh thiếu ăn như ngày trước nữa đâu. Bình quân thu nhập hàng năm cũng hơn 100 triệu đồng”.
Tương tự là gia đình Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Kơ Tu Dơng. Trước năm 2012, ông Tun cùng 7 người con ở chung với bố mẹ vợ tại làng Kon Chara. Sau khi có chủ trương xây dựng làng tái định cư, gia đình ông Tun có 3 suất gồm: 1 suất cho vợ chồng ông; 2 suất cho vợ chồng 2 người con gái. Ông Tun bộc bạch: “Ngày trước, ở chung 3 thế hệ trong cái nhà bé xíu, phức tạp lắm. Nhà đông người, đất đai không có, ăn uống thiếu thốn. Khổ nhất là không có đủ chỗ ngủ. Nay đỡ hơn trước nhiều rồi. Ruộng lúa đủ ăn trong năm. Có vườn tược trồng các loại cây. Vợ chồng mình còn đi làm thuê cho người ta nên có thêm thu nhập. Có tiền, mình cơi nới nhà cho rộng rãi thêm. Gia đình 2 đứa con gái của mình cũng vậy, kinh tế khá hơn trước nhiều”.
Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Ngọc Vân cho hay: “100% dân cư của làng là người Bahnar. Hiện nay, làng có 92 hộ với 420 khẩu. Những năm gần đây, đời sống của người dân trong làng có nhiều khởi sắc. Khi mới chuyển sang đây ở, tất cả các hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo nhưng nay chỉ còn 10 hộ, đa phần là người lớn tuổi hoặc tàn tật, ốm đau. Có 3-4 hộ dân có điều kiện kinh tế khá giả, hàng năm thu nhập vài trăm triệu đồng”.
NGUYỄN TÚ