Kinh tế Đắk Lắk phát triển xanh, tuần hoàn, mang đậm bản sắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đắk Lắk lập tức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa thông qua ngày 6.10.2022. Đây là mục tiêu dài hơi, cần làm một cách bài bản để Đắk Lắk và các địa phương trong khu vực phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn mang đậm bản sắc Tây Nguyên...

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và tương lai sẽ là trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk và tương lai sẽ là trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trung
Còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành, là bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh - quốc phòng ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Theo đó, chương trình hành động vừa được Chính phủ ban hành trong đó cụ thể hoá thành 23 nhiệm vụ, 9 dự án đầu tư về hạ tầng kết nối giao thông vùng của Tây Nguyên.
Đắk Lắk là tỉnh nằm trong Tây Nguyên và giữ vị trí trung tâm của vùng. Đây sẽ là những tiền đề đặc biệt quan trọng mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh Đắk Lắk có thể phát huy, khai thác có hiệu quả hơn nữa các tiềm năng thế mạnh, vượt qua khó khăn thách thức tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Ngày 19.11, trong một buổi trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - cho rằng: Một trong những khó khăn lớn nhất mà địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị quyết đó là áp lực cạnh tranh lớn từ quá trình hội nhập kinh tế, tự do thương mại, việc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tạo nên sự cạnh tranh ở thị trường hàng hoá nông sản. Lực lượng lao động tuy đông, nhưng số nhân lực chất lượng cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.
Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo chưa có khả năng tự cân đối ngân sách, phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn còn cao, làm gia tăng các bất ổn trong đời sống xã hội… Biến đổi khí hậu khó lường đang trở thành thách thức rất lớn của tỉnh, đặc biệt là nạn hạn hán.
Theo Bí thư Đắk Lắk, trong những năm gần đây, quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các quy định của nhà nước để triển khai thực hiện đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cho nên cũng mất nhiều thời gian trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư và tiến độ triển khai dự án.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh thì phải tập trung phát huy tinh thần đoàn kết đồng lòng, phối hợp chặt giữa các địa phương trong vùng. Từ đó, hướng đến việc thúc đẩy phát triển, liên kết vùng, hình thành thể chế điều phối phát triển kinh tế ở Tây Nguyên.
Hoàn thiện mạng lưới giao thông là tối quan trọng
Ngày 22.11, trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột - nhấn mạnh rằng: "Một trong những điều kiện kiên quyết để phát triển đô thị Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn tỉnh nói chung, nhìn xa hơn nữa là toàn vùng Tây Nguyên đó là phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức kết nối với các vùng trong nước và quốc tế một cách thuận tiện, an toàn, hiệu quả. 
Do đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến Cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu nâng cấp Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế kết nối đến các tọa độ lớn của thế giới. Việc hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kết nối TP.Buôn Ma Thuột đến các vùng trọng điểm khác ở Tây Nguyên; hoàn thiện đường đô thị theo quy hoạch được duyệt cần phải phải đảm bảo đáp ứng chức năng giao thông và chức năng không gian".
Bí thư Đắk Lắk - Nguyễn Đình Trung xác định, địa phương đang khẩn trương xây dựng và triển khai sâu rộng chương trình hành động của tỉnh để thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ. Tỉnh đang hoàn thành việc lập, trình, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến 2050, đảm bảo với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng...
Đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc sẽ đồng lòng phát triển TP.Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên theo kết luận 67 của Bộ Chính trị.
Đắk Lắk sẽ quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong các cấp các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng tạo không gian thống nhất khắc phục các điểm nghẽn, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của vùng. Địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội chăm lo đời sống của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Bí thư Đắk Lắk - Nguyễn Đình Trung cho rằng: Trong thu hút vốn và triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, Đắk Lắk sẽ chú trọng các giải pháp hữu hiệu quy động các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội then chốt. Cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng...
Qua đó, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đưa Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, nền kinh tế xanh, tuần hoàn, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá theo mục tiêu Nghị quyết đã đề ra".
Theo Bảo Trung (LĐO)

Có thể bạn quan tâm