Kinh doanh liêm chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Đề án thành lập Mạng lưới kinh doanh liêm chính Việt Nam đang được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lấy ý kiến hoàn thiện, tới đây cơ sở dữ liệu và xếp hạng doanh nghiệp (DN) kinh doanh liêm chính sẽ được hình thành với trọng tâm ban đầu (theo thứ tự ưu tiên) là các DN niêm yết, các DN cổ phần đại chúng và các DN quan tâm.

Hệ thống dữ liệu bao gồm các thông tin cơ bản về DN và các dữ liệu, thông tin tiêu chí về minh bạch thông tin và kinh doanh liêm chính của DN. Bộ tiêu chí về minh bạch thông tin và kinh doanh liêm chính là cốt lõi để xây dựng và hình thành nên cơ sở dữ liệu này.

Trên cơ sở bộ tiêu chí và dữ liệu, thông tin thu thập, sẽ xây dựng hồ sơ (profile) về mức độ minh bạch thông tin và kinh doanh liêm chính của các DN. Profile được xây dựng và hình thành qua từng năm, nhờ đó những đối tác quan tâm có thể xem được sự thay đổi qua từng năm của các DN này.

Với các tiêu chí và dữ liệu thu thập, có thể tiến hành chấm điểm và xếp hạng các DN về minh bạch thông tin và kinh doanh liêm chính. Việc chấm điểm và xếp hạng có thể được phân loại theo ngành kinh tế, lĩnh vực, địa phương, hoặc loại hình DN.

Cơ sở dữ liệu này sẽ được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, sử dụng các công nghệ điện toán đám mây, và công nghệ thông tin để việc tính điểm, xếp hạng, phân loại được thực hiện một cách dễ dàng, chính xác, minh bạch và hoàn toàn độc lập. Tiếp đó sẽ tiến tới xây dựng báo cáo thường niên về DN kinh doanh liêm chính - không chỉ có ý nghĩa ở cấp độ quốc gia mà còn có thể ở cấp độ quốc tế…

Theo kết quả khảo sát báo cáo chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, năm 2020 còn 5,4% DN phải trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. DN vẫn thường gặp phải hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính. 51,1% DN phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Còn theo xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020 do Tổ chức Minh bạch quốc tế thực hiện thì Việt Nam đứng thứ 104/180 với 36 điểm. Như thế, so với năm 2019, CPI của Việt Nam bị giảm 1 điểm và 8 bậc, đồng thời nước ta vẫn nằm trong số 2/3 các quốc gia trên thế giới có điểm số dưới 50.

Song cần nói rõ rằng tệ nhũng nhiễu còn kéo dài cũng có phần là do chính các DN. Năm 2019, tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” vẫn lên tới 41,2%. Điều này cũng có nghĩa là non nửa số DN được khảo sát chấp nhận hy sinh tính liêm chính để thắng thầu. Họ không chỉ là nạn nhân, mà trong nhiều trường hợp lại chính là người thúc đẩy các hành vi tiêu cực của cán bộ các cơ quan công quyền.

Lâu nay, khi nhắc đến liêm chính, người ta thường nghĩ ngay đến những cán bộ quản lý nhà nước. Nhưng liêm chính phải là phẩm chất, là nguyên tắc đạo đức mà cả xã hội cùng hướng đến, bao gồm cả DN và mỗi cá nhân. Việc xây dựng những tiêu chí về minh bạch thông tin và kinh doanh liêm chính giống như đặt ra một chiếc gương lớn để DN có thể soi vào mà tự răn mình - thực sự là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Nhất là khi Luật Phòng, chống tham nhũng đã chính thức có hiệu lực từ 1-7-2019 với phạm vi điều chỉnh mở rộng hơn nhiều so với trước đây, bao gồm cả khu vực ngoài Nhà nước.

Cần nói thêm rằng, khi thủ tục của cơ quan nhà nước chậm trễ hoặc gây khó khăn, DN thực hiện hành vi “bôi trơn” và khó khăn được giải quyết. Nhưng rồi sau đó khó khăn không dừng lại, mà có khi còn tăng lên bởi có động cơ lợi ích.

Hơn thế, căn bệnh hối lộ có thể lây lan từ khu vực công sang chính nội bộ của DN và giữa các DN, tàn phá năng lực của DN từ bên trong. Cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác lớn trên thế giới cũng hẹp lại, vì yêu cầu minh bạch đang trở thành một điều kiện tiên quyết để đầu tư và hợp tác.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.