Kiếm tiền triệu nhờ trồng rau sạch tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không vất vả, cũng chẳng cần có vườn đất rộng nhưng nhiều bà nội trợ vẫn có thể kiếm thêm tiền triệu mỗi tháng từ việc trồng rau, nấm.       
Thêm thu nhập từ rau mầm
Sở hữu một tiệm cắt tóc, gội đầu nhỏ trên đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku, Gia Lai), bà mẹ 3 con Lê Thị Ánh Đức “bén duyên” với việc trồng rau mầm khá tình cờ. “Cách đây gần 2 năm, sau khi sinh bé thứ 3 được một thời gian, tôi nghĩ tới việc trồng rau mầm để có nguồn rau sạch cho gia đình. Ban đầu chỉ là vài thùng xốp nhỏ trồng đủ rau cho nhà mình ăn, nhưng khách đi qua thấy thích nên hỏi mua rồi đặt tôi làm thêm. Cứ thế, bây giờ “vườn” rau mầm của tôi đã lên đến gần 100 giá thể với lượng xuất bán trung bình 17 thùng/ngày, tương đương khoảng 20 kg rau mầm. Với giá bán lẻ 35 ngàn đồng/kg và 24 ngàn đồng/kg xuất sỉ, mỗi ngày tôi thu về khoảng 500 ngàn đồng chưa trừ chi phí”-chị Đức chia sẻ.
 Chị Đức kiểm tra giá thể rau mầm chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: L.H
Chị Đức kiểm tra giá thể rau mầm chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: L.H
Để làm rau mầm, chị Đức lên các trang mạng tự học kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc. Hiện chị đang trồng rau mầm từ hạt cải củ. “Rau mầm từ hạt cải củ rất giàu dưỡng chất và dễ trồng hơn các loại hạt khác”-chị Đức cho biết. Trung bình chỉ mất 5-7 ngày từ khi gieo hạt, rau mầm sẽ cho thu hoạch. Theo chia sẻ của chị Đức, hạt rau khi mua về sẽ được ngâm khoảng 4 giờ trong nước ấm để có đủ độ ẩm và nứt mắt, sau đó đem ủ trong lớp khăn vải ẩm khoảng 6-8 giờ để nảy mầm hoàn toàn. Khi hạt rau đã nhú phần rễ trắng tương đối đồng đều, chị đem hạt rải lên đất và chăm sóc cho đến khi thu hoạch.
Đất dùng để trồng rau mầm là đất hữu cơ. Giá thể làm rau là loại có thiết kế khoa học, đảm bảo cho việc giữ và thoát nước hài hòa với nhu cầu phát triển của rau mầm. Cứ 3 lần trồng rau thì đất sẽ được xử lý cải tạo một lần bằng vôi bột trước khi đem trồng trở lại. Rau mầm không cần nhiều ánh sáng nên chị Đức hoàn toàn có thể trồng trong nhà. “Khi rau mới xuống đất mình ưu tiên dành chỗ tối. Khi rau lên xanh gần được thu, mình đẩy các giá thể này ra phía trước gian hàng để hứng nắng cho cây nảy lá mầm”-chị Đức chia sẻ. 
Để có chừng 17 kg rau mầm cung ứng hàng ngày, chị Đức chỉ mất chừng 2 giờ cho việc ngâm ủ hạt, tra hạt vào các giá thể và tưới nước, thu hoạch. Những việc này chị có thể chủ động làm đan xen trong khoảng thời gian rảnh rỗi khi tiệm vắng khách. Chỉ với diện tích chừng 30 m2 để làm rau mầm, chị Đức đã tạo cho mình một nguồn thu nhập tương đương một công lao động mỗi tháng. “Các nhà hàng, quán nhậu mua về làm rau sống. Tôi đang thử nghiệm trồng thêm một số loại rau mầm khác như: rau cải cay, rau muống… Trước đây, tôi từng nhiều lần thất bại, có những mẻ hư hết vì chưa nắm rõ kỹ thuật. Giờ thì mọi việc đã dễ dàng hơn nhiều”-chị Đức vui vẻ cho biết thêm.
Thành công với trại nấm
Để có thêm thu nhập, chị Đinh Thị Kim Tuyến (thôn Ia Chía, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) mở một cửa hàng buôn bán nhỏ ngay tại nhà. “Con mình rất thích ăn nấm. Ban đầu, mình mua phôi nấm về chăm sóc để có nấm cho các con ăn, sau thấy nhu cầu nhiều nên nhập phôi về bán. Rồi thấy chăm sóc nấm khá thú vị, phù hợp với điều kiện thời gian và công việc nên mình nảy ra ý định mở một trang trại nấm nhỏ trên phần đất còn trống của gia đình”-chị Tuyến tâm sự.
Trại nấm của chị Tuyến khá đơn giản, xung quanh được rào bằng lưới B40, mái lợp tôn, có hệ thống giàn treo phôi nấm, giàn tưới phun sương, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng. Chị Tuyến trồng nhiều loại nấm thông dụng, bao gồm: nấm sò, nấm hương, bào ngư, tai mèo… với số lượng trên 5.000 phôi nấm, trong đó nhiều nhất là nấm sò với 2.500 phôi. Để nắm kỹ thuật, chị tìm đọc trên sách báo và cất công tham quan một vài trại nấm. Theo chia sẻ của chị Tuyến, chỉ cần duy trì độ ẩm phù hợp, nấm hoàn toàn có thể phát triển tự nhiên, không cần dùng thuốc và các chế phẩm kích thích nên rất sạch, an toàn và bổ dưỡng. Chỉ sau 1 tháng chính thức hoạt động, trại nấm đã cho thu hoạch. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chị xuất bán 10 kg nấm các loại. Đáng mừng là nấm cắt đến đâu được bán hết ngay đến đó. Khách hàng là các chị em trong vùng mua nấm về ăn hay các mối sỉ nhập hàng về bán lại. Với mức giá trung bình 40-60 ngàn đồng/kg, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, chị Tuyến thu về khoảng 7 triệu đồng. Là khách mua nấm thường xuyên, chị Nguyễn Thị Thương (thôn Ia Chía) cho hay: “Trại nấm của chị Tuyến khá gần nhà nên khi cần tôi thường ghé qua mua. Khách mua tới đâu cắt tới đó nên nấm rất tươi ngon, giá lại rẻ hơn so với nấm mua tại chợ khiến chị em rất hài lòng”.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.