Khu tái định cư ở Đắk Nông bỏ hoang vì không có... lối vào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ 2016, người dân ở thôn Tân Lợi, xã Đắk ru, được UBND huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) bố trí 20 suất tái định cư nằm trên mặt tiền Quốc lộ 14. Thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, từ khi được bố trí tái định cư cho đến nay khu đất này vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, người dân chưa thể định canh, định cư, ổn định cuộc sống. Nguyên nhân, khu tái định cư này bị chắn kín lối vào bởi hộ lan của Quốc lộ 14.
Hộ lan can Quốc lộ 14 chắn ngang khu tái định cư của người dân khiến họ chưa thể định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phan Tuấn
Hộ lan can Quốc lộ 14 chắn ngang khu tái định cư của người dân khiến họ chưa thể định cư, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phan Tuấn
Người dân “dài cổ” chờ đợi
Năm 2016, nhiều hộ dân ở thôn Tân Lợi, xã Đắk ru bị thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng. Sau đó, 20 hộ dân thuộc diện thu hồi đất được Nhà nước bố trí cấp đất tái định cư tại khu vực thôn 6, nằm trên mặt tiền Quốc lộ 14. Thế nhưng, đã 5 năm trôi qua người dân có quyền lợi liên quan vẫn chưa thể định canh, định cư, ổn định cuộc sống.
Khu vực cấp tái định cư bị hàng chục mét hộ lan do Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long xây dựng để bảo đảm an toàn giao thông cho đường Hồ Chí Minh đã bịt kín mọi lối vào khu tái định cư. 20 hộ dân dù đã nhận đất nhưng không thể sử dụng.
Theo quy định của nhà nước, dân không được tự ý tháo dỡ hộ lan trên đường quốc lộ, tỉnh lộ... Nếu vi phạm, không chỉ gây tai nạn giao thông, mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Gia đình ông Phạm Văn Lân được bố trí một lô đất có diện tích 8 mét mặt tiền Quốc lộ 14, sâu 50 mét, nhưng do rào chắn ngang trước mặt tiền nên đã 5 năm qua ông Lân chưa thể sử dụng. Hiện suất tái định cư của ông Lân vẫn đang là bãi đất trống bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Theo ông Lân, nhiều người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị sự việc lên các cấp chính quyền, nhưng không sao giải quyết được.
Tương tự, gia đình bà Mạc Thu Trang được bố trí 1 lô tái định cư tại đây. Nhiều năm nay, bà Trang rất muốn xây dựng nhà để ở nhằm ổn định cuộc sống, nhưng cũng vì không có lối vào nên mong ước của bà Trang đành phải gác lại, chờ chính quyền các cấp vào cuộc, xử lý.
“Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có phương án giải quyết, tạo điều kiện cho tôi được làm nhà, ổn định cuộc sống. Bởi vì từ khi bị thu hồi đất cho đến nay gia đình tôi chưa có nơi ở ổn định”- bà Trang cho biết.
Khổ nhất chắc phải kể đến trường hợp của bà Nguyễn Thị Hà làm nghề thu mua phế liệu. Do đất tái định cư vướng hộ lan nên nhiều năm qua không thể xây dựng nhà để ở và kinh doanh. Liên tiếp nhiều năm, gia đình bà Hà vẫn phải đi thuê nhà để ở, tốn kém.
Chính quyền cơ sở bất lực
Chia sẻ về việc này, ông Bùi Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru - cho biết, sự việc này chính quyền địa phương chỉ biết và ghi nhận thực tế, kiến nghị bởi không đủ thẩm quyền xử lý. UBND xã Đắk Ru đã kiến nghị với cơ quan chức năng về sự bất cập này nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương.
Ông Lê Đình Sáu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’lấp - cho rằng, khu tái định cư được UBND tỉnh đồng ý cho huyện triển khai thực hiện. Trước những vước mắc này, đơn vị đang liên hệ với Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long để có hướng giải quyết sự việc.
Theo ông Sáu, việc tháo dỡ hộ lan tại khu vực cấp đất tái định cư cho dân là phù hợp với tình hình hiện nay. Vì trước đây, khu vực này là ta luy âm từ 1-2m so với mặt đường. Thế nhưng, sau khi xây dựng khu tái định cư này đã được đắp đất, cải tạo bằng phẳng thì đã bảo đảm an toàn cho Quốc lộ 14.
Thực tế cho thấy, bất cập trong việc mở lối đi cho 20 hộ dân được bố trí tái định cư đã các cấp chính quyền UBND huyện Đắk R’lấp nhìn thấy. Tuy nhiên, sự việc không thể giải quyết trong một sớm, một chiều bởi vướng nhiều quy định, liên quan đến cấp tỉnh, cấp bộ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Sỹ Sơn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - cho biết, “Đơn vị sẽ phối hợp với huyện Đắk R’lấp tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ làm báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền là Bộ Giao thông Vận tải xem xét nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân địa phương".
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.