(GLO)- “Không có các cô ấy, không có Sư đoàn trưởng Mai Tiến Mỹ hôm nay”. Đại tá Mai Tiến Mỹ-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5 hiện ở tại số 4 Hoàng Hoa Thám, thị xã An Khê đã nhiều lần nói với đồng đội như thế khi nhớ về các cô gái vận tải Sư đoàn năm nào đã cứu ông thoát chết trong một trận đánh.
Tháng 8-1967, tầm 4 giờ chiều, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 Mai Tiến Mỹ nhận lệnh của Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn đưa đơn vị đi tiêu diệt quân Mỹ ở chân núi Liệt Kiểm, Hiệp Đức (Quảng Nam). Trước đó Tiểu đoàn 2 đã đánh từ sáng đến tối mà vẫn chưa tiêu diệt hết.
Đại tá Mai Tiến Mỹ và chị Nguyễn Thị Vân tại buổi gặp mặt nữ cựu quân nhân Sư đoàn 2. Ảnh: H.V |
Không có trinh sát dẫn đường, để xác định nơi đóng quân của địch, các anh lặng lẽ men theo dòng suối. Nước đục đến đâu thì đi đến đó. Bọn Mỹ đắp tăng ngủ la liệt trên các phao hơi, giữa ruộng lúa, với quân số chừng 2 đại đội trong màn mưa lất phất và không hề biết quân ta đang áp sát. Quân ta tràn lên, chúng bất ngờ, trở tay không kịp, bị tiêu diệt rất nhiều. Khi đang đứng giữa đồng chỉ huy trận đánh thì một quả M79 của địch bắn tới, Đại đội trưởng Mai Tiến Mỹ bị thương, một mảnh đạn xuyên thấu phổi làm anh ngã nhào, máu chảy khắp người.
Vừa lúc đó 4 cô gái của Đại đội 3, Tiểu đoàn vận tải đã có mặt kịp thời, khiêng anh về đội phẫu. Lúc này trời đã bắt đầu sáng mờ. Bước chân các cô gấp gáp, vì nếu không kịp đi qua đồng trống thì địch sẽ phát hiện. Mưa nhỏ và lạnh, mảnh đạn cựa quậy nhức buốt, máu tràn vào phổi làm anh không thở được.
Vẫy tay các cô dừng lại, anh thều thào: “Tôi lạnh lắm, chắc chết mất”. Chỉ nói vậy rồi anh rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Một cô chừng lớn tuổi nhất, bảo cả tổ đặt cáng xuống, tiêm cho anh 2 mũi thuốc trợ lực, chạy đi đâu một lúc mang về một nắm tranh săn, loại lá bà con ở đây dùng để lợp nhà. Cô y tá đốt tranh hơ qua hơ lại dưới võng anh, rất khéo léo vừa đủ nóng, chừng 20 phút.
Anh thấy người ấm dần. 4 cô tiếp tục thay nhau khiêng chạy chừng 2 tiếng đồng hồ thì lên Trạm xá 17. Tại đây anh được mổ hút máu ra khỏi phổi và điều trị cho đến khi khỏi hẳn. Các bác sĩ đều khen các cô y tá sư đoàn thật thông minh khi nghĩ ra cách sưởi ấm độc đáo. Các cô không làm vậy thì chắc chắn anh sẽ không qua nổi khi phổi đã bắt đầu lạnh ngắt.
Hơn 45 năm qua, Đại tá Mai Tiến Mỹ luôn đau đáu trong lòng tìm cho được những ân nhân đã cứu mình. Vậy mà một bất ngờ đã đến. Ngày 26-7-2012, Sư đoàn 2 tổ chức gặp mặt 69 nữ cựu quân nhân Đại đội 3, Tiểu đoàn vận tải 19 nhân kỷ niệm 47 năm Ngày thành lập Sư đoàn. Đại tá Mai Tiến Mỹ được mời tham dự. Kỷ niệm xưa ùa về. Ông lên sân khấu kể cho mọi người nghe câu chuyện về các nữ y tá đã cứu mình, đặc biệt là tình huống dùng lửa sưởi ấm ông trong đêm mưa lạnh.
Chị Nguyễn Thị Vân (hiện sống ở Đà Nẵng) rẽ đám đông chạy lên ôm chầm lấy ông mà nghẹn ngào: “Em chính là người hôm đó. Vậy mà đến nay em vẫn không biết người thương binh trên cáng là thủ trưởng”. Chị nói rồi lại khóc. Người lính già tóc bạc cũng không kìm được nước mắt. Cả hội trường xúc động lặng đi. Chị Vân cho biết, 4 cô gái hôm ấy, hai người đã hy sinh, chị Roa thì hiện đang đau nặng, điều trị ở Bệnh viện Quy Nhơn.
Chị kể rằng: “Sau chiến dịch lớn, đại đội đang nghỉ ngơi thì 12 giờ đêm được lệnh ra ngay trận địa. Không ai nề hà khẩn trương lên đường. Chạy mấy cây số đường rừng mới đến nơi diễn ra trận đánh. Một thương binh nằm bất tỉnh trên ruộng lúa, lúc đầu cứ nghĩ chỉ bị thương ở cánh tay nên nẹp cố định. Càng đi càng thấy anh ấy lịm dần, tôi tiêm gấp 2 mũi thuốc trợ lực, rồi nhớ đến bài học đã được tập huấn, liền chạy vào nhà dân bỏ hoang. Trời mưa nên tất cả đều ướt, chỉ có cánh cửa có mái che nên khô ráo, tôi rút vội một bó về sưởi ấm cho anh. Đó cũng là bài học trong cứu chữa thương binh làm tôi nhớ mãi.”
Đại tá Mai Tiến Mỹ bây giờ vui lắm. Tình đồng đội lại tiếp tục sưởi ấm ông như bó tranh săn cháy đỏ trên được rừng Hiệp Đức năm nào.
Hồng Vân