Không chỗ học, phải tổ chức lớp tại nhà rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau bão số 9, hàng chục học sinh tại xã Đăk Psi, H.Đăk Hà (Kon Tum) phải chuyển đến nhà rông học. Điều đáng nói là điều kiện học tập tại nhà rông không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe của thầy và trò.
 
Một mình thầy Nguyễn Văn Lợi phải dạy cùng lúc 3 khối lớp 3, 4, 5
Một mình thầy Nguyễn Văn Lợi phải dạy cùng lúc 3 khối lớp 3, 4, 5
Gió luồn qua vách gỗ
Chúng tôi ghé thăm nhà rông thôn Kon Pao Kơ La (xã Đăk Psi) vào một sáng tháng 12 se lạnh. Nơi đây từ hơn một tháng nay đã trở thành lớp học của 71 đứa trẻ từ 3 - 5 tuổi trong làng do điểm trường mà trước đây các em theo học nằm sát bờ sông sạt lở, có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào.
Sáng sớm mùa đông, trong cái lạnh căm căm, từng tốp học sinh í ới nhau đến nhà rông để học con chữ. Do không gian chật hẹp ở nhà rông nên lớp học như thu bé lại, những chiếc ghế nhỏ, đầy mối mọt của học trò được xếp sát lại với nhau. Gió núi lùa qua khe hở trên vách gỗ vào nhà tê buốt. Vài đứa trẻ run run trong manh áo mỏng, cố ngồi sát lại với nhau chia hơi ấm.
Cô giáo Đặng Thị Thúy cho biết do ảnh hưởng bão số 9 nên nhiều đoạn bờ kè quanh điểm trường thôn Kon Pao Kơ La bị hư hỏng, sụt lún. Lo sợ dòng sông Đăk Psi có thể “nuốt chửng” điểm trường bất cứ lúc nào nên nhà trường đã mượn nhà rông của thôn để làm chỗ học tạm cho các em học sinh.
“Cơn bão số 9 vừa qua khiến nước ở sông dâng cao, mấp mé điểm trường. Nhiều đoạn bờ sông bị nước đánh gây sạt lở chỉ còn cách phòng học của các em khoảng 2 m. Nếu một cơn bão tương tự nữa xảy ra, các phòng học có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Học sinh học tập ở đó rất nguy hiểm. Do đó, chúng tôi mượn nhà rông của thôn Kon Pao Kơ La làm chỗ học tạm cho các em. Tuy nhiên, nhà rông chật chội nên không đủ không gian cho các em sinh hoạt cũng như bố trí đồ dùng học tập”, cô Thúy chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hằng, một giáo viên của điểm trường này, tâm sự: “Trời đã vào đông, nhà rông không đủ kín để che gió, che mưa cho học trò. Những hôm mưa lớn, nước tạt qua khe hở, gió lùa vào từng cơn khiến các em lạnh buốt. Các em ở đây chủ yếu là người đồng bào thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều em không có áo ấm để mặc. Mỗi khi mưa to, gió lớn, các em ngồi co ro, tay chân lạnh buốt. Sau khi về học tại nhà rông, nhiều em có biểu hiện ốm sốt”.
 
Sau bão số 9, nhà trường mượn nhà rông tại thôn 10 làm nơi học tập cho học sinh ẢNH: ĐỨC NHẬT
Sau bão số 9, nhà trường mượn nhà rông tại thôn 10 làm nơi học tập cho học sinh ẢNH: ĐỨC NHẬT
1 giáo viên dạy 3 lớp
Không chỉ học sinh mẫu giáo, hàng chục học sinh của điểm trường thôn 10, Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (xã Đăk Psi), cũng đang phải mượn nhà rông để học tạm.
Trời đã vào đông, nhà rông không đủ kín để che gió, che mưa cho học trò. Những hôm mưa lớn, nước tạt qua khe hở, gió lùa vào từng cơn khiến các em lạnh buốt
Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên điểm trường thôn Kon Pao Kơ La (xã Đăk Psi, H.Đăk Hà, Kon Tum)
Thầy Nguyễn Văn Lợi, giáo viên điểm trường, cho hay từ khi cơn bão số 9 đi qua, cây cầu treo từ thôn 10 bắc qua điểm trường bị cuốn trôi. Không có đường đến lớp, nhà trường đành mượn nhà rông của thôn để học sinh đến học tạm. 5 khối lớp của điểm trường được chia làm 2 buổi học. Lớp 1, 2 học buổi sáng, lớp 3, 4 và 5 học buổi chiều.
28 em học sinh khối lớp 3, 4 và 5 do thầy Lợi trực tiếp giảng dạy. Một mình thầy chạy đi, chạy lại để hướng dẫn các em làm toán và đọc bài.
“Nhà rông chật chội lại thiếu giáo viên nên buổi sáng cô Y Nghé dạy lớp 1 và 2. Buổi chiều, tôi đứng lớp 3, 4 và 5 nên không đảm bảo việc dạy và học cho các em học sinh. Bên cạnh đó, trang thiết bị học tập cũng không đầy đủ. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, sửa chữa và xây dựng lại cây cầu để các em được đến lớp học con chữ”, thầy Lợi nói.
Bà Lê Thị Nhung, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đăk Hà, cho biết do ảnh hưởng của bão nên học sinh ở điểm trường thôn Kon Pao Kơ La (Trường mẫu giáo Đăk Psi) và điểm trường thôn 10 (Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện) phải học tạm ở nhà rông. Việc này gây nhiều khó khăn bởi khuôn viên nhỏ, giáo viên không thể sắp xếp và bố trí đầy đủ trang thiết bị cũng như dụng cụ học tập. Bên cạnh đó, việc học tại nhà rông rất lạnh, nhất là những hôm mưa gió, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả giáo viên và học sinh.
“Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, bố trí kinh phí để xây dựng điểm trường mới. Qua đó, đảm bảo an toàn trong quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh”, cô Nhung đề xuất.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm