Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Thanh Toàn (SN 1993) và chị Lê Thị Hoàng Tuyền (SN 1995) ở thôn Nam Hiệp, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, Đắk Nông.

Anh Toàn và vợ đều học ngành Công nghệ sinh học (Trường Đại học Tây Nguyên). Thời sinh viên, cả hai ấp ủ khởi nghiệp theo chuyên ngành đã học.

Trong một lần xem tin tức, anh Toàn biết đến mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo. Nhận thấy loại nấm này vừa tốt cho sức khỏe, giá thành cao nên cả hai lên ý tưởng khởi nghiệp. Sau giờ lên lớp, anh Toàn cùng chị Tuyền dành thời gian tìm hiểu quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo.

“Ngay khi ra trường, tôi mua 1 ống giống để làm thử. Do không chuẩn bị kịp phòng nuôi cấy nên tôi phải trữ giống gần 4 tháng. Sau đó, chúng tôi cưới nhau, quyết định dành hết số tiền mừng cưới để khởi nghiệp”, anh Toàn kể lại.

Anh Nguyễn Thanh Toàn kiểm tra nấm đông trùng hạ thảo

Anh Nguyễn Thanh Toàn kiểm tra nấm đông trùng hạ thảo

Do nguồn vốn khiêm tốn, anh Toàn thiết kế căn phòng rộng khoảng 10m2, lắp đèn, điều hòa… thành phòng nghiên cứu đông trùng hạ thảo. Để có tiền trả các chi phí ban đầu, anh Toàn đi làm thêm ở xưởng mộc, còn vợ ở nhà kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của nấm.

Sau 3 tháng cấy giống, nấm đông trùng hạ thảo cho thành phẩm nhưng sợi bị ngắn, màu không đẹp. Dù vậy, đây là bước đệm để đôi vợ chồng trẻ tiếp tục theo đuổi mô hình khởi nghiệp. Gần 1 năm thử nghiệm các công thức khác nhau, vợ chồng anh Toàn tìm ra công thức chuẩn.

Theo anh Toàn, khó nhất của đông trùng hạ thảo là ngăn thoái hóa giống. Vấn đề này phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó có môi trường (ánh sáng không khí, nhiệt độ…). Vậy nên, môi trường làm nấm phải thật sạch sẽ, nếu không rất dễ nhiễm khuẩn, hư hỏng.

Năm 2019, vợ chồng anh Toàn bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường với nhiều dòng như: Tươi, khô, ngâm mật ong, ngâm rượu...; đồng thời cung cấp phối giống. Bên cạnh mở rộng sản xuất, anh Toàn tiếp tục nghiên cứu gia tăng hàm lượng hoạt chất chính (Cordyceps) của đông trùng hạ thảo bằng việc cung cấp dưỡng chất từ khoai tây, nhộng tằm, trứng gà…

Các sản phẩm do anh Toàn làm ra đều được kiểm tra tỉ mỉ, trước khi đưa ra thị trường
Các sản phẩm do anh Toàn làm ra đều được kiểm tra tỉ mỉ, trước khi đưa ra thị trường

May mắn với vợ chồng anh Toàn khi sản phẩm ra thị trường gặp đúng thời điểm nhu cầu về đông trùng hạ thảo rất lớn. “Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, khách hàng rất cần đông trùng hạ thảo để bồi dưỡng sức khỏe, tăng sức đề kháng. Sản phẩm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó”, anh Toàn cho biết.

Năm 2021, anh Toàn thành lập HTX đông trùng hạ thảo do mình làm chủ với 7 thành viên. Theo đó, anh Toàn hỗ trợ thiết kế phòng nuôi và cung cấp giống đảm bảo. Sản phẩm của các thành viên sẽ được lấy thương hiệu của HTX để bán ra thị trường… Tháng 11/2023 sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của anh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện.

Anh Toàn giới thiệu các sản phẩm được làm từ nấm đông trùng hạ thảo

Anh Toàn giới thiệu các sản phẩm được làm từ nấm đông trùng hạ thảo

Nhờ mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, vợ chồng anh Toàn thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Hiện anh chị đang nghiên cứu thêm mô hình trồng lan dược liệu. Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, anh Toàn đúc kết, sự thành công của hai vợ chồng đến từ quyết tâm, đồng cam cộng khổ, kiên trì theo đuổi đam mê. Ngoài ra, để mô hình khởi nghiệp không bị cho là viển vông, phi thực tế, theo anh Toàn cần phải có kiến thức sâu về lĩnh vực theo đuổi.

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

Chị Nguyễn Thị Thu Trang tranh tài tại chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp

(GLO)- Chiều 10-10, chị Nguyễn Thị Thu Trang-Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo LiLa (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) thi thuyết trình chung kết toàn quốc Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Nữ trưởng công an xã xuất sắc

Đại úy Y Yến (36 tuổi, dân tộc Xơ Đăng)-Trưởng Công an xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum, đã được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Công an tiêu biểu”, “Nữ Công an cơ sở xuất sắc” năm 2023.