Anh Nguyễn Hoàng Duy cho biết - năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt của Trường Đại học Cần Thơ, Duy đầu quân cho một số công ty phân bón, công việc khá ổn định nhưng bất ngờ rẽ ngang để trở về quê hương lập nghiệp. Đó là thời điểm năm 2019.
Nói về lý do “rẽ ngang” này, Duy chia sẻ: “Quê hương Lâm Kiết của tôi là vùng đất thuần nông, gia đình cũng có khá nhiều đất đai sản xuất. Tôi nghĩ về quê sản xuất làm giàu trên mảnh đất của ông bà để lại thoải mái hơn đi làm cho công ty. Vì vậy, năm 2019 tôi quyết định nghỉ và trở về quê khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới. Tôi chọn trồng dưa lưới vì thời điểm này, trồng dưa lưới là mô hình mới, được đánh giá có nhiều triển vọng. Hơn nữa, bản thân tôi vốn đã có kiến thức về trồng trọt nên tôi nghĩ mình sẽ thành công”.
Anh Duy với vườn dưa lưới của mình. |
Sau khi chọn mô hình trồng dưa lưới, Duy đã bỏ thời gian đi tham quan mô hình trồng dưa lưới ở nhiều địa phương như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang,...để học hỏi cách làm, cách chăm sóc loại trái cây này.
Sau khi đã có “vốn liếng” kiến thức, đầu năm 2020, Duy chính thức bắt tay vào trồng dưa lưới trong nhà màng trên diện tích đất rộng trên 1.200m2. Với đức tính chăm chỉ, cần cù, chịu khó, mô hình trồng dưa lưới của Nguyễn Hoàng Duy đã thành công khi anh thu hoạch vụ dưa đầu tiên bán cho thương lái, thu về gần 120 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lời 43 triệu đồng. Cao hơn hàng chục lần so với làm lúa.
“Vạn sự khởi đầu nan”, sau thắng lợi của vụ dưa đầu tiên, Nguyễn Hoàng Duy đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng dưa. Với diện tích ban đầu trên 1.200m2 trồng được hơn 3.200 dây dưa lưới, hiện nay anh đã mở rộng diện tích lên 3.300m2, mật độ trồng là 2.400 gốc dưa/1.000m2.
Dưa khắc chữ phục vụ nhu cầu chưng Tết. |
Theo anh Duy, chi phí đầu tư ban đầu cho công việc trồng dưa khoảng 450 triệu đồng/1.000m2. Loại dưa này trồng khoảng 2,5 tháng đã cho thu hoạch, mỗi năm anh trồng 4 vụ. Nhưng cái hay của Nguyễn Hoàng Duy là không trồng tập trung một lượt mà trồng xen kẽ các diện tích để có dưa cung cấp cho thị trường quanh năm. Với cách làm này, tháng nào anh cũng có dưa cung cấp cho thị trường với sản lượng 4,5 tấn/tháng. Giá bán ổn định từ 40-45.000đ/kg.
“Dưa lưới của tôi chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng. Trong chăm sóc, tôi luôn ưu tiên sử dụng các loại hoá chất, phân bón, thuốc sinh học nên dưa phát triển tốt, được người tiêu dùng yêu thích. Những nơi đặt mua dưa của tôi luôn tăng số lượng chứ không giảm, điều đó cho thấy người tiêu dùng đã tin tưởng vào sản phẩm của mình. Hiện nay, dưa lưới của tôi chiếm khoảng 80% thị phần ở Sóc Trăng. Số còn lại được đưa đi các địa phương khác tiêu thụ. Dưa của tôi đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. Với diện tích gieo trồng như hiện nay, mỗi năm tôi thu hoạch từ 45 - 50 tấn trái. Sau khi trừ chi phí, còn lời từ 750-800 triệu đồng”, anh Duy cho biết thêm.
Với vườn dưa lưới của mình, Nguyễn Hoàng Duy đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Một vụ dưa lưới khoảng 75 ngày, trồng trong nhà màng nên ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bệnh. |
Nói về dưa phục vụ Tết, Duy đưa tôi sang một vườn dưa trái lúc lỉu và giới thiệu: “Đây là vườn dưa phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trong đó, có 600 cặp dưa khắc chữ đã được khách hàng đặt từ trước và gần 4.000 trái dưa phục vụ sử dụng ẩm thực trong những ngày tết. Loại dưa có khắc chữ tôi bán từ 350-400 ngàn đồng/cặp; dưa để ăn thì bán theo giá như trước, từ 40-45.000đ/kg. Bình quân mỗi trái sẽ có trọng lượng từ 2kg”.
Theo anh Duy, một vụ dưa lưới khoảng 75 ngày, trồng trong nhà màng nên ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sâu bệnh, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Thời gian tới anh sẽ mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chị Dương Như Huỳnh, Bí thư Đoàn xã Lâm Kiết - cho biết, mô hình trồng dưa lưới của Nguyễn Hoàng Duy là mô hình mới ở địa phương, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho thanh niên nói riêng, cho người dân địa phương nói chung vì thu nhập cao, ổn định. Dưa lưới của anh Duy cũng đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tinh thần khởi nghiệp của anh Duy đã góp phần làm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm đến tuổi trẻ ở địa phương khi mô hình trồng dưa lưới của anh được Huyện đoàn Thạnh Trị chọn làm mô hình điểm để các đoàn viên, thanh niên trong huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Ghi nhận thành công của Nguyễn Hoàng Duy, Trung ương Đoàn cũng đã tặng Bằng khen cho anh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào tuổi trẻ sáng tạo Cụm đồng bằng sông Hậu năm 2023. Bên cạnh đó, anh Duy cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh còn rất tích cực tham gia các phong trào của đoàn thanh niên và địa phương phát động.