Với ý nghĩ 'sinh ra từ làng phải làm giàu từ làng', chàng trai 9X ở Quảng Nam đã rời bỏ thành phố lớn về quê khởi nghiệp và thành công với mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ.
Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ của anh Nghĩa |
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2012, Nguyễn Văn Nghĩa (28 tuổi, ở P.Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) về quê xin vào làm tại khách sạn Bàn Thạch, Tam Kỳ. Đến đầu năm 2016, anh xin nghỉ vì nhận thấy mình không còn phù hợp công việc cũ. Một lần đi giao thức ăn chăn nuôi, anh tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá và nghĩ ngay đến việc đầu tư nuôi cá lồng bè như một hình thức kinh doanh mới. Nói là làm, anh vay mượn hơn 300 triệu đồng để thử nghiệm nuôi 10 lồng bè cá diêu hồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực nuôi cá lồng bè trên lòng sông Tam Kỳ (Quảng Nam), anh nhớ lại quãng thời gian đầu theo nghề nuôi cá gặp không ít khó khăn. Lứa đầu tiên, dù cá phát triển tốt nhưng khi đến thời kỳ thu hoạch cá bỗng nhiên bị dịch bệnh rồi chết trắng lồng.
Tuy nhiên, đến lứa cá nuôi thứ 2 anh gặt hái được "quả ngọt". Giờ đây, số lồng bè trên sông Tam Kỳ của anh đã tăng vọt lên con số 36. Mỗi vụ cá nuôi từ 6 - 7 tháng, giá bán ra 40.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đã cho khoản thu hơn 250 triệu đồng. Mô hình nuôi cá lồng bè của anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng. Nhưng anh cũng nhận ra trở ngại lớn nhất của nghề nuôi cá lồng bè không phải rủi ro lúc chăm sóc, mà là thị trường tiêu thụ. "Cá tôi bán ra chủ yếu là thị trường ngoài tỉnh nên giá cả phụ thuộc vào thương lái. Để đảm bảo đầu ra, sắp tới tôi sẽ đi tìm kiếm nhằm mở rộng thị trường", Nghĩa thổ lộ.
Mạnh Cường (thanhnien)