“Làm gì còn chỗ cho cá, ốc trú ngụ nữa. Nhổ với giẫm đạp hết cả đá lẫn san hô rồi. Tui mà biết vậy, bữa mấy ông trẻ xuống chụp ảnh tui đuổi về rồi” - ống quần ướt sũng, tay giũ lưới ông Ba Huy (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vừa ngước nhìn Gành Yến vừa càm ràm với nhóm bạn ngư dân.
|
Sau khi được quảng bá trên mạng xã hội, nhiều du khách đến tham quan, ngắm san hô ở thắng cảnh Gành Yến. Giẫm đạp, đi trên san hô để ngắm san hô bên gành biển. |
“Giẫm nát” thắng cảnh
Trời lưng bóng sang chiều, nhóm đàn ông ngư dân kéo thúng từ phía gành biển vào bờ. Chai lọ đựng nước, lưới được lôi ra, phía dưới đáy thúng túi nylon đựng mươi con mực tươi óng ánh. Chút cá biển xen lẫn ốc trong thau nhôm cũng được sắp xếp gọn. Chưa đầy 5 phút, người đàn bà trên bờ đón thúng nhanh tay lấy mực, cân cá tính tiền. “Ít quá hể, nay đi trong bờ hay ra xa mà ít vậy. Tốn công đi, mấy ông phải ra xa hơn nữa mới có. Cạnh bờ hết rồi” - bà chủ đầu nậu vừa thu gom mua cá vừa ngúng nguẩy với cánh đàn ông ngư dân.
Cách bờ biển mươi bước chân, nhiều nhóm du khách nhấp nhỏm đứng trên mỏm đá thắng cảnh Gành Yến ngóng con nước biển chờ rút. Cứ đầu và giữa tháng âm lịch nước cạn, trên diện tích non 1 km2, ở Gành Yến những rạn san hô cùng thảm thực vật nhiều màu sắc phát lộ. Những hoa san hô màu trắng, xanh, vàng đục to bằng bàn tay xếp lớp chồng lên nhau.
Vào mùa biển cạn, nước biển rút ra xa những rạn san hô cùng thảm sinh vật rực sáng cả Gành Yến. Và chỉ sau vài đợt du khách, đoàn nhóm tìm về chiêm ngưỡng, những thảm “hoa biển” đại dương dần ngã rụp.
|
Thạch cổng Tò Vò hình thành từ hoạt động phun trào núi lửa triệu năm. Mặc dù đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ sụp đổ, nhưng mỗi ngày cổng đá địa chất này phải gánh hàng trăm du khách tham quan, ngắm cảnh. |
Nước cạn, “rừng” san hô bên gành biển lộ ra nhiều màu sắc. Lưa thưa, từng cụm san hô gãy nát, dài ngắn lôm côm. Một số hoa san hô bị chân người đạp bằng, nát vụn. Phía sau những bước chân, không ít hoa san hô vụn nát trước ánh mắt xót xa của cư dân bản địa. Không có lối đi ra gành xa, những bước chân tạo lối mòn ra phía gành biển đồng nghĩa những luống “hoa biển” cũng ngã rạp theo. Cá con, ốc nhỏ, cua đá trốn trong san hô, góc đá túa chạy dưới bàn chân con người.
“Mấy bữa đầu thì đông người đến xem san hô. Càng ra xa san hô càng đẹp nên họ cứ đi thôi. Muốn ra xa xem thì phải đi, dẵm lên mà đi” - ngư dân Phạm Văn Thành lắc đầu than thở.
Không chỉ thưởng lãm, ngắm gành đá, hoa biển san hô, nhiều người tiện tay nhổ, bẻ nhánh san hô ở thắng cảnh Gành Yến mang về trưng bày, trang trí hồ cá, cây cảnh. “Họ cứ bẻ mang đi mà không có ai cản cả. Mấy lần mình thấy nhắc nhưng không ai nghe. Phần ai người ấy mang về nhà trang trí” - anh Trần Vũ, nhà cách Gành Yến non cây số bực bội.
Lan truyền nhanh, phản ứng chậm
Gần 130 km đường bờ biển cùng di sản địa chất độc đáo, những năm gần đây Quảng Ngãi thu hút nhiều du khách bởi những thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, khác lạ so với nhiều vùng ven biển. Địa chất núi lửa vùng biển Bình Châu, Lý Sơn, Sa Huỳnh… phát lộ nhiều di sản thiên nhiên hiếm có như thắng cảnh Gành Yến, Ba Làng An, Thạch Ky Điếu Tẩu, đảo núi lửa Lý Sơn… Tất cả thuộc quần thể di sản thiên nhiên Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Tuy nhiên, vẻ đẹp của thiên nhiên, thắng cảnh ở Quảng Ngãi quảng bá rộng rãi, thu hút người đến thưởng lãm thì mức độ xâm hại, tác động đến các di sản thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mỗi tháng, đảo núi lửa Lý Sơn đón hàng nghìn du khách thì những di sản thiên nhiên, địa chất ở đây cũng gánh thêm bấy nhiêu sức nặng bước chân con người.
Thạch cổng Tò Vò là một trong những điểm tham quan độc đáo, là nơi check-in của giới trẻ lẫn du khách mỗi khi đến đảo ngọc. Chiều dài hơn 20m, cổng cao 2,5m vòm đá độc đáo này hình thành từ hoạt động núi lửa triệu bên gành biển làng chài An Vĩnh. Mỗi ngày, cổng Tò Vò “gánh” hàng trăm du khách chụp ảnh, ngắm cảnh. Mặc dù được cảnh báo nguy cơ sụp di sản địa chất này nhưng những đôi chân vẫn không ngừng bước.
“Ngày nào cũng đông lắm. Từng tốp lên trên đó chụp ảnh. Tụi tui bán nước cũng nhắc rồi, có ngày cũng sụp cái cổng đó cho coi. Sụp thì hết khách, nghỉ bán” - chị Nguyễn Thị Hồng lo lắng.
Sau hai năm “lơ đễnh” của chính quyền địa phương, danh thắng nổi tiếng Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), với miệng núi lửa còn nguyên vẹn bị xâm phạm nghiêm trọng. Những eo núi đất đỏ bazan vòng quanh ôm gành đá khổng lồ bị đào bới, san lấp làm hàng quán. Những khối bê-tông bên bờ biển phá vỡ không gian thiên nhiên hòa quyện của biển trời, đá núi lửa triệu năm. Kiến trúc của hiện đại trộn lẫn địa chất 100 năm tạo thành những vết thương khoét sâu thắng cảnh.
|
Nhiều du khách giẫm đạp, đi trên san hô tại gành biển. |
Khi chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, khách du lịch quảng bá hình thắng cảnh trên truyền thông, mạng xã hội thì gánh nặng, sức ép cho di sản cũng đến. Người tham quan, cư dân bản địa “chạm” thắng cảnh, hệ sinh thái, di sản không còn là chuyện lạ. Hoạt động trải nghiệm tự phát, không cảnh báo, hướng dẫn, không hạn chế hoạt động để bảo vệ thắng cảnh thiên nhiên.
Lan truyền, quảng bá phát triển du lịch với tốc độ nhanh nhưng phản ứng của chính quyền sở tại, nhà chức trách quá chậm mang theo tiếc nuối cho thiên nhiên hùng vĩ. Và cái giá phải trả là di sản thiên nhiên bị bào mòn.
Bà Huỳnh Kim Ngân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Sơn thừa nhận, khi công bố các điểm du lịch, cảnh đẹp thiên nhiên nhà chức trách không tính toán, dự lường hết nhu cầu, ý thức của du khách. “Sau khi phát hiện tình trạng xâm phạm di sản thiên nhiên chúng tôi có biện pháp cảnh báo, chỉ dẫn du khách để bảo vệ san hô, hệ sinh thái biển và các thắng cảnh trên địa bàn. Khai thác du lịch nhưng phải an toàn cho thiên nhiên, hệ sinh thái chung vùng biển”.
Cùng với bảo tồn, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, thiên nhiên được khai thác, phát huy phù hợp sẽ nâng mức sống cho cư dân bản địa và lan toàn vẻ đẹp tiềm ẩn. Trong khi chính quyền sở tại, ngành quản lý chưa kịp khai thác giá trị từ thiên nhiên thì thắng cảnh đã kịp bong nát. Kiến tạo triệu năm, thiên nhiên không được nâng niu, gìn giữ mà ngược lại phải gánh thêm con người. Tiềm năng phát triển của di sản hẹp dần theo tư duy mà chúng ta ứng xử với thắng cảnh.
“Người dân, du khách đều biết xâm phạm di sản, thắng cảnh sẽ bị xử phạt, tuy nhiên tình trạng đó vẫn diễn ra. Chính quyền địa phương quản lý trực tiếp cũng không bám sát, quản lý hết được. Chúng tôi phối hợp tăng cường giám sát, xử lý vi phạm theo Luật Di sản, Văn hóa để hạn chế” - ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết.
Danh lam, thắng cảnh tỏa sắc sẽ tăng giá trị cho vùng di sản. Thế nhưng, đọng lại chỉ là sự thấp thỏm, bất an cho cư dân bản địa. Mất dần hệ sinh thái biển, nguồn vốn mưu sinh từ thiên nhiên bao năm của cư dân nguy cơ hẹp dần. “Vùng biển cạnh Gành Yến vừa phát hiện thảm thực vật san hô, gành đá đẹp lắm nhưng bà con làng chài bên đó quyết định giữ kín để bảo vệ. Khoe ra thì lại hỏng ngay thôi” - ông Ba Huy tiết lộ.
Bài và ảnh: ĐÔNG HUYỀN (NDĐT)