Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố: Năm 2012, doanh số bán ra chỉ 97.000 xe ô tô thì năm 2014 bán 157.810 xe; năm 2015 bán ra 245.000 xe và năm 2016 bán đến 304.427 xe. Năm 2015, Hyundai bán ra 36.400 xe, tăng 34% so với năm 2015 (27.000 xe); Toyota bán 57.000 xe trong năm 2016; các hãng xe khác như Cheverolet, Mitsubishi cũng bán ra một lượng xe không nhỏ.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, theo như VAMA và TC Motor cho biết, tổng số lượng xe ô tô các loại đã bán ra lên đến 140.032 xe. Trong đó, Honda là 10.481 xe, Mazda 12.679 xe, Hyundai 24.381 xe…
Xe ô tô đang dần trở thành phương tiện giao thông phổ biến ở TP. Pleiku. Ảnh: Minh Tiến |
Trong xu thế ấy, diện mạo TP. Pleiku mấy năm gần đây liên tục được chỉnh trang cũng thay đổi hẳn, không chỉ nhà cửa được xây dựng nhiều hơn, sang và đẹp hơn, đường phố được nâng cấp, mở rộng vỉa hè mà các loại xe ô tô cũng gần như “tràn ngập” phố núi.
Buổi sáng đi trên các đường phố: Lê Hồng Phong, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Học, Cù Chính Lan, Tăng Bạt Hổ... đâu đâu cũng thấy xe ô tô đậu nối đuôi nhau trước các công sở, quán điểm tâm, quán cà phê; đặc biệt là sáng thứ bảy, chủ nhật, trên các lề đường hầu như không còn chỗ trống đậu xe.
Có lẽ nhận biết được trào lưu phát triển chung của cuộc sống người dân Pleiku nên chỉ trong thời gian ngắn, thành phố đã có thêm hàng chục đại lý, salon ô tô với các thương hiệu nổi tiếng như: Hyundai, Kia, Cheverolet, Misubishi, Toyota, Ford, Honda..., thậm chí có cả đại diện của các dòng xe thuộc hàng đỉnh như Mercedes, Audi, BMW... giá vài ba tỷ đồng trở lên.
Người dân phố núi mua xe ô tô tùy thuộc vào túi tiền nhưng phổ biến nhất là các loại xe có giá từ 500 triệu đến 800 triệu đồng và dung tích xi lanh dưới 2 lít cho đỡ tốn nhiên liệu. Và tất nhiên, sau một thời gian, nhu cầu nâng cấp đời xe cũng tăng. Vậy là, người ta chấp nhận bán lỗ đến một nửa xe cũ đã qua sử dụng, thậm chí lỗ hơn nữa để mua xe mới sang hơn, đẳng cấp hơn.
Xe ô tô nhiều, nhu cầu nhiên liệu cho xe tất nhiên tăng tương ứng, kể cả việc kéo theo các dịch vụ liên quan đến xe cũng phát triển nhanh chóng. Đó là hàng loạt ngân hàng cho vay để khách hàng mua ô tô với lãi suất ưu đãi, thậm chí cho vay đến 70-80% giá trị của chiếc xe. Đó là các trung tâm đào tạo lái xe ô tô liên tục mở các lớp lái xe hạng B1, B2, C. Đó là các hãng bảo hiểm cả truyền thống lẫn mới du nhập như: Bảo Việt, Pijico, PTI, Bảo Minh, Liberty, GIC... bảo hiểm thân vỏ vật chất và bảo hiểm người trên ô tô.
Rồi trên các trục đường Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành, Hai Bà Trưng… xuất hiện khá nhiều điểm bán phụ kiện thường được gọi là “đồ chơi” lắp trên xe ô tô như: camera, hệ thống loa ngoài, đĩa DVD, máy định vị GPS, gối massage...
Nhiều người sau khi mua xe xong, lại sắm thêm đồ chơi cho chiếc xế cưng cũng chi thêm vài ba chục triệu đồng nữa.
Rồi dịch vụ rửa xe cũng mọc lên như nấm sau mưa. Cứ nhẩm tính, trung bình công rửa 1 chiếc xe ô tô là 60 ngàn đồng, mỗi ngày, các cơ sở rửa xe thu về không dưới vài ba triệu đồng. Không ít nhà có điều kiện mặt bằng, mặt tiền đã đầu tư mua sắm máy móc, thuê thợ làm điểm rửa xe.
Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng mạnh, gần 92.000 xe
Nửa đầu năm 2024, VinFast bán được 21.747 ô tô điện trên toàn cầu
Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào tháng 12-2015 với cam kết giảm thuế nhập khẩu từ 75% xuống còn 50% tính từ khi chính thức gia nhập và từ 0 đến 5% vào năm 2018 khiến lượng ô tô từ các nước ASEAN và Ấn Độ đổ vào Việt Nam tăng nhanh.
Chỉ trong tháng 1-2017 đã có đến 1.823 chiếc ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam, 1.585 chiếc nhập từ Thái Lan, đặc biệt nhập từ Ấn Độ về 4.781 chiếc trong 3 tháng năm 2017, mức giá bình quân khai báo chỉ gần 3.800 USD/chiếc. Năm 2022 là 173.467 xe ô tô các loại, trong đó Thái Lan nhập qua đến 72.032 chiếc. Năm 2023, cả nước nhập khẩu 118.942 xe, trong đó loại dưới 9 chỗ ngồi là 96.606 chiếc. 7 tháng đầu năm nay nhập 91.637 xe ô tô các loại, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người dân Pleiku nói riêng mua sắm xe ô tô để sử dụng.
Mặc dù đã được mở rộng, nâng cấp nhưng hệ thống giao thông nội thành Pleiku đã bắt đầu cho thấy khó có thể đáp ứng được lượng xe lưu thông, đậu đỗ. Hàng ngày, nhất là vào giờ cao điểm tại các ngã tư Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân và ngã ba Hoa Lư, tình hình kẹt xe diễn ra thường xuyên. Mặc dù thành phố đã quy định nơi đậu đỗ ô tô theo ngày song chỉ mới giải quyết vấn đề tình thế, nếu như lượng ô tô ngày càng nhiều hơn thì đây sẽ là bài toán khó trong vấn đề lưu thông ở thành phố cao nguyên này.