(GLO)- Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ ngày 10-3 đến 7-4-2014) lâm tặc đã chặt 47 cây gỗ hương khối lượng 140 m3 (nhóm I) trong số hơn 300 cây gỗ được Nhà nước thống kê yêu cầu bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn gien hương thuộc lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa. Vụ việc chưa lắng xuống thì đầu tháng 7-2014, Công an huyện Kbang đã bắt quả tang 1 kiểm lâm viên vận chuyển gỗ cho lâm tặc.
Đâu rồi lực lượng quản lý bảo vệ rừng?
Các đối tượng bị khởi tố trong vụ vận chuyển gần 21 m3 gỗ. Ảnh: Đắc Sơn |
Huyện Kbang có tổng diện tích đất lâm nghiệp 133.000 ha, trong đó diện tích có rừng hơn 92%. Rừng ở đây giàu tài nguyên bậc nhất ở Tây Nguyên với nhiều loại lâm sản quý hiếm như trầm hương, huỳnh đàn, trắc, hương… Nhiều năm qua, rừng Kbang luôn bị lâm tặc dòm ngó, tấn công. Ngoài số lâm tặc tại chỗ, nhiều đối tượng từ nơi khác cũng đổ về Kbang mưu cơ nghiệp. Cho đến nay các loại quý hiếm như: trầm hương, huỳnh đàn, trắc trong rừng tự nhiên cơ bản đã bị đào tận gốc, trốc tận rễ. Hiện tại, gỗ hương là đối tượng mà lâm tặc đang nhắm đến.
Theo Công an huyện Kbang, từ sau Tết Giáp Ngọ-2014, ở các xã phía Bắc của huyện Kbang, tình trạng khai thác mua bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép nổi lên rầm rộ, gây bức xúc trong dư luận. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2014, Công an đã phát hiện 66 vụ vi phạm, trong đó khai thác trái phép 29 vụ, vận chuyển, mua bán trái phép 37 vụ. Từ ngày 10-3 đến 7-4-2014, mỗi ngày lâm tặc chặt hạ 2-3 cây gỗ tại khu vực gần đường đi. Trong khi đó, các cơ quan chức năng gồm: lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, kiểm lâm địa bàn, tổ liên ngành của huyện Kbang, tổ liên ngành của xã Krong, các tổ kiểm lâm cơ động tỉnh… thường xuyên có mặt nhưng vẫn không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời. Một cán bộ điều tra của Công an huyện Kbang cho biết: Lâm tặc chẳng vô công rồi nghề bỏ tiền, bỏ công, đánh đu với tính mạng khi đi vào rừng hạ gỗ bỏ đó mà không vận chuyển đi tiêu thụ. Chúng phải có một kế hoạch nào đó.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, trong hơn 5 tháng đầu năm 2014, có 85 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng hơn gấp đôi (46 vụ) so với năm 2013. Đáng chú ý là trong số hơn 300 cây gỗ hương năm 2013 được UBND tỉnh chỉ đạo, thống kê, đánh dấu bảo vệ nghiêm ngặt để bảo tồn nguồn gien, thì từ tháng 11-2013 đến nay đã có 55 cây bị triệt hạ, khối lượng hơn 150 m3 gỗ nhóm I, riêng năm 2014 là 47 cây, trong đó có cây gỗ hương hơn 11 m3 . Thế nhưng chủ rừng và các lực lượng quản lý bảo vệ rừng ở Kbang đều không phát hiện một thủ phạm nào, không vụ nào được khởi tố để quy trách nhiệm vì chặt hạ số gỗ hương này. Lâm tặc chặt gỗ bỏ đó rồi rút đi an toàn.
Kiểm lâm “dẫn lối” cho buôn lậu gỗ
Xe vận chuyển gỗ lậu. Ảnh: Đắc Sơn |
Ngày 10-7-2014, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Kbang đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Ngọc Quýnh (SN 1963, quê Kiến Xương, Thái Bình; trú tổ 18, thị trấn Kbang, huyện Kbang) và Hồ Như Khôi (SN 1982, quê Nam Đàn, Nghệ An; trú thôn 7, xã Đông, thị trấn Kbang). Hồ Như Khôi là kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Kbang.
Trước đó, ông Quýnh biết được tại xã Kon Pne (huyện Kbang) có một cây gỗ sao khối lượng hơn 30 m3 bị lâm tặc chặt hạ nhưng bị lộ chưa vận chuyển được nên tháng 5-2014 đã móc ngoặc với kiểm lâm viên địa bàn xã Kon Pne là Hồ Như Khôi để xẻ và vận chuyển cây gỗ này. Ông Quýnh thuê xe 81C-016.28 của Hồ Văn Vĩnh là anh ruột Khôi vận chuyển số gỗ này với giá 30 triệu đồng từ xã Kon Pne ra thị trấn huyện Kbang. Sau khi bốc số gỗ này, Quýnh và Khôi ngụy trang bằng cách đổ 4 tấn củ mì rồi bỏ 15 cây gỗ xây dựng 6 cm x 12 cm dài 5,2 mét lên trên. Khoảng 16 giờ ngày 13-6, Khôi đi xe máy dẫn đường cho xe gỗ qua các trạm kiểm soát. Khôi đến gặp Nguyễn Duy Dũng-cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Đak Krong, nói dối là xe chỉ chở 16 cây gỗ xẻ về làm nhà nên được Dũng đồng ý cùng Khôi dẫn qua Trạm kiểm soát cửa rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Krong. Khoảng 18 giờ, xe đến Trạm kiểm soát cửa rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa. Khôi với “bổn cũ” xin nhân viên ở đây qua trạm, song nhân viên ở đây dùng cây xăm, phát hiện gỗ nên giữ lại. Đến 21 giờ, tổ công tác của Công an huyện Kbang phát hiện được đã yêu cầu đưa về Công an huyện xử lý. Sau khi đo đếm, cơ quan chức năng đã phát hiện trên xe ô tô 81C-016.28 có tổng cộng 20,96 m3 gỗ.
Cơ quan Điều tra cho biết: Trong 2 lần xe xuất phát từ xã Đông vào Kon Pne, Khôi đều đi theo xe (lần đầu vào rừng xe bị hư phải quay về sửa chữa, lần 2 vào lại) lúc bốc gỗ lên xe Khôi có mặt ở hiện trường; khi tời xe bị hỏng, Khôi chở Quýnh đi sửa, khi xe vận chuyển gỗ qua các trạm cửa rừng Khôi đều có mặt.
Đắc Sơn