Khẩn cấp bảo tồn voi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đắk Lắk được biết đến là nơi có quần thể voi rừng và voi nhà sinh sống khá lớn. Thế nhưng với sự suy giảm môi trường sinh thái tự nhiên do phá rừng, lấn chiếm đất rừng đang khiến cho xung đột giữa voi rừng và con người ngày càng gia tăng. Cùng với đó, đàn voi nhà liên tục suy giảm mạnh.  

 Voi con Gold đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.
Voi con Gold đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.



Nhằm đánh giá lại công tác bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã và voi nhà; khôi phục, bảo vệ nguồn gen động, thực vật nguy cấp và đa dạng sinh học trong vùng sinh sản của voi; ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi với người; tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà voi và dẫn xuất voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trên lãnh thổ Việt Nam; Mới đây, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị giữa kỳ “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020”.

Ông Vũ Văn Đông-Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” được thực hiện từ năm 2014-2020, có tổng mức đầu tư hơn 86,7 tỷ đồng với quy mô bảo tồn quần thể voi hoang dã có nơi cư trú di chuyển kiếm ăn trong diện tích khoảng 175.000 ha; bảo tồn voi nhà, quy hoạch khu chăn thả, chăm sóc sức khỏe, sinh sản tại huyện Lắk 150 ha và tại huyện Buôn Đôn 200ha. Phạm vi thực hiện Dự án là trong các khu rừng đặc dụng và các diện tích thuộc hành lang di chuyển của voi hoang dã, voi nhà thuần dưỡng tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Lắk.

Mục tiêu của dự án là bảo tồn và phát triển số lượng cá thể voi hoang dã và voi nhà hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; hạn chế, ngăn ngừa xung đột voi/người, giảm thiểu tối đa số vụ và thiệt hại do xung đột voi-người; ngăn chặn các hành vi săn bắn, giết hại voi trái pháp luật, cải tạo và khôi phục sinh cảnh sống của quần thể voi phát triển lâu dài; tăng cường năng lực cứu hộ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh sản phát triển quần thể voi nhà; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật để ngăn chặn các hành vi săn bắt, buôn bán các sản phẩm và dẫn xuất voi, nâng cao ý thức bảo tồn của người dân.

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Trung Luân-Giám Đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết, từ sự hỗ trợ của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, cũng như những nỗ lực của UBND tỉnh Đắk Lắk “Dự án khẩn cấp Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk” những năm qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, qua quá trình điều tra, theo dõi giám sát voi hoang dã, Trung tâm Bảo tồn voi xác định tại Đắk Lắk có 5 đàn voi với số lượng từ 80-100 cá thể. Quần thể voi hoang dã có đầy đủ cơ cấu bầy đàn voi đực, voi cái, voi con, voi trưởng thành và voi già. Hàng năm đều có voi con sinh ra, chấm dứt tình trạng săn bắn, sát hại voi rừng, số lượng cá thể voi ngày một tăng thêm.

Hiện phạm vi bảo tồn sinh cảnh sống cho voi hoang dã tại Đắk Lắk được thực hiện tại các địa phương có voi hoang dã sinh sống, di chuyển với tổng diện tích hơn 170.000 ha. Hàng năm, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã phối hợp với các chủ rừng, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức nhiều đợt giám sát voi hoang dã cư trú, di chuyển trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo và Cư Mgar để nắm bắt về số lượng cơ cấu, bầy đàn, vùng cư trú và hành lang di chuyển của voi, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, xua đuổi mỗi khi voi xuất hiện đến khu vực sản xuất của người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo ông Luân, để ổn định được được nơi cư trú, sinh sống của voi hoang dã trong những cánh rừng tự nhiên, hạn chế voi di chuyển đến những khu vực sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp, giảm thiểu xung đột voi-người, đồng thời bảo tồn phát triển quần thể voi hoang dã tại Đắk Lắk thì cần phải thực hiện xây dựng các bảng cảnh báo khu vực có voi hoang dã; trồng bổ sung các loại cây thức ăn cho voi…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn voi hoang dã cũng đang gặp nhiều khó khăn. Quần thể voi hoang dã tại Đắk Lắk có số lượng nhiều, phạm vi cư trú di chuyển kiếm ăn trên địa bàn rộng lớn nên việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình di chuyển kiếm ăn, voi hoang dã đã gây nhiều thiệt hại về hoa màu, tài sản kể cả tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Các điều kiện về biên chế và nguồn kinh phí Trung tâm có hạn nên việc thực hiện các giải pháp hạn chế xung đột giữa voi-người gặp nhiều khó khăn….

Cùng với công tác bảo tồn voi hoang dã thì công tác bảo tồn và phát triển voi nhà cũng được các chuyên gia, đại biểu quan tâm. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 45 cá thể voi nhà, phân bố tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Đến nay, Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh đã lập hồ sơ, nhật ký và tiến hành gắn chip điện tử trên từng cá thể nhằm giúp cho việc quản lý, theo dõi sức khỏe của voi được thuận lợi; tổ chức 121 đợt khám sức khỏe định kỳ và đột xuất cho voi, qua đó phát hiện và chữa trị được nhiều ca bệnh có thể gây tử vong cho voi như nhiễm trùng đường ruột, bệnh lao; hướng dẫn chủ voi nhà các biện pháp chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho voi…

Tuy nhiên, công tác bảo tồn voi thời gian qua còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế như: quá trình phẫu thuật, chữa trị bệnh và làm các xét nghiệm thú y cho voi còn gặp nhiều khó khăn; số lượng voi nhà còn lại quá ít, đã lớn tuổi và được quản lý độc lập nên ít có cơ hội được gặp gỡ, giao phối nhằm sinh sản, bảo tồn nòi giống; số lượng và chất lượng dinh dưỡng cho voi nhà chưa đầy đủ, cộng thêm việc thường xuyên sử dụng phục vụ du lịch nên tuổi thọ ngày càng giảm; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, biên chế cho công tác bảo tồn voi còn hạn chế…

Trước bối cảnh rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, môi trường sinh sống của voi rừng bị xâm hại, cũng như voi nhà thường xuyên bị chủ voi cho khai thác du lịch quá sức nhưng không đảm bảo thức ăn cũng như dinh dưỡng và nhiều voi nhà chết vì kiệt sức, ông Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để công tác bảo tồn voi đạt được hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp, các ngành có liên quan cần tiến hành điều tra chi tiết, toàn thể quần thể voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk để làm cơ sở theo dõi quần thể và di biến động của voi hoang dã; tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu xung đột giữa voi và người, bảo vệ tài sản và tính mạng, sức khỏe của người dân; xây dựng và triển khai kế hoạch bảo tồn sinh cảnh voi hoang dã; tiếp cận, học hỏi các phương pháp sinh sản nhân tạo để gia tăng số lượng voi nhà; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn voi; tham mưu bố trí UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo tồn voi…

“Tỉnh mong muốn các cơ quan chức năng cần quan tâm bố trí kinh phí để Trung tâm Bảo tồn voi triển khai các hoạt động giám sát voi hoang dã, hỗ trợ voi nhà điều trị bệnh cũng như hỗ trợ các voi cái nhà có khả năng sinh sản”-ông Cảnh đề xuất.   

Nguyễn Tuấn Anh (daidoanket)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.