(GLO)- Ngoài các món quà lưu niệm tinh tế mang đậm nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên thì đếm trên đầu ngón tay Gia Lai chỉ có vài đặc sản nổi tiếng mang phong vị đặc trưng là cà phê, măng khô, mật ong rừng, bò một nắng-muối kiến vàng... Dù có chừng ấy nhưng cũng đủ để những sản phẩm từ Gia Lai khẳng định chỗ đứng cho mình, làm nên một thương hiệu rất riêng…
Khách chọn quà lưu niệm tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Pleiku. |
Ngày nay, khi nền kinh tế có sự giao thương rộng rãi, sản vật vùng miền đâu đâu cũng bán phổ biến, người ta cũng có thể tìm mua bất kỳ món hàng lưu niệm nào của Gia Lai ở ngay địa phương mình đang sinh sống. Thế nhưng, món quà tặng bạn bè, người thân sưu tầm từ chuyến du lịch sẽ thú vị hơn rất nhiều. Một nữ du khách đến từ Đà Nẵng tỏ ra hào hứng khi đã tự tay chọn lựa kỹ lưỡng các món đồ ưng ý nhất. Đã từng được đến nhiều vùng đất ở Tây Nguyên, từng nhìn thấy các mặt hàng lưu niệm đặc trưng, song theo so sánh của chị, sản phẩm thủ công do các nghệ nhân ở Gia Lai làm ra có nét gì đó rất khác biệt. “Ví dụ như mô hình nhà sàn nhìn kỹ sẽ thấy nét tinh tế, từ các miếng gỗ nhỏ xíu lắp ghép cẩn thận, cho đến đường nét hoa văn trang trí trên đó rất tỉ mỉ; hay những chiếc gùi, quả bầu khô, chiếc đàn Goong, đàn Trưng, cho đến từng chiếc áo, túi đeo dệt thổ cẩm mang đậm nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Tất cả rất cuốn hút, không chỉ riêng mình mà ngay cả những đồng nghiệp đi trong đoàn cũng thích thú và sẵn sàng chi tiền để có các món đồ đẹp, lạ mắt, mang nét đặc trưng vùng miền rõ rệt”-chị nói.
Không dễ đứng vững trên thị trường khi có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay và được khách hàng tin tưởng chọn làm điểm đến khi có nhu cầu, theo chia sẻ của chủ cửa hàng mỹ nghệ Ngọc Linh (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku), để có sản phẩm tốt nhất, cửa hàng đã ký kết với các cơ sở uy tín trên địa bàn, mỗi cơ sở có một thế mạnh về sản phẩm, nhưng chung quy hàng nhập về bán phải đảm bảo được tiêu chí đẹp, chất lượng, để khách cả trong và ngoài tỉnh đều cảm thấy hài lòng khi mua về.
Có lẽ nhờ giữ chữ tín, nên nhiều năm nay cửa hàng kinh doanh ổn định. Trong khuôn viên không mấy rộng rãi nhưng hàng hóa được trưng bày khá bắt mắt. “Nhu cầu khách hàng ngày một tăng, đòi hỏi cửa hàng phải luôn đa dạng mặt hàng, không chỉ các loại có mức giá trung bình, mà phải nhập rất nhiều hàng cao cấp như: tranh thêu tay, tranh gỗ điêu khắc, độc bình, một số ít món đồ dùng chế tác từ gỗ…”-chủ cửa hàng cho biết.
Gia Lai nổi tiếng cà phê, măng khô, mật ong rừng, chuối sấy, bò một nắng, muối kiến vàng… mỗi khi nhắc đến, người ta lại nghĩ ngay chỉ Gia Lai mới làm nên thương hiệu này. Măng khô Gia Lai được chọn mua để chế biến hoặc làm quà, dù giá có cao hơn, thường dao động trong khoảng 220-300 ngàn đồng/kg. Để cho ra những thớ măng khô ngon, các cơ sở thường chọn măng le, bởi loại này đặc ruột, khi phơi hoặc sấy khô sẽ có màu vàng đẹp mắt, qua chế biến nhanh mềm và đặc biệt không đắng, có vị ngòn ngọt rất đặc trưng.
Cà phê thì nổi tiếng với những thương hiệu “không biên giới” như Thu Hà, Phiên Phương, Classic. Ngoài ra, người ta còn biết đến vùng đất Krông Pa có thịt bò một nắng, muối kiến vàng. Người sản xuất phải rất công phu, từ khâu chọn thịt, đến chế biến. Thịt bò được thái thành từng miếng dọc theo thớ thịt, tẩm gia vị, sau đó phơi nắng. Tổ kiến vàng phải được lấy ở trên cây, đem về rửa sạch phơi khô rồi trộn với muối ớt. Vậy mới nói, món ăn này nhìn đơn giản nhưng lại làm khá là công phu. Từ chỗ chỉ tiêu thụ nội tỉnh, đến nay món ngon này đã vươn tầm ra nhiều tỉnh. Rồi chuối sấy, mật ong rừng cũng rất đặc trưng và sẽ thiếu sót khi không kể đến…
Từ chỗ chỉ có vài địa điểm kinh doanh hàng đặc sản, đến nay đâu đâu cũng thấy bày bán sản phẩm đặc trưng vùng miền, để thấy rằng ngoài việc buôn bán, các cơ sở còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá sản phẩm, hình ảnh Gia Lai đến du khách.
Vũ Thảo