(GLO)- Để thúc đẩy nền nông nghiệp huyện nhà phát triển theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp huyện Kbang đã tích cực triển khai nhiều biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất của người dân trên địa bàn huyện, tiến tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Các giống mía mới đem lại năng suất cao. Ảnh: Quang Tấn |
Kbang là huyện nghèo của tỉnh, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là các cây ngắn ngày như: lúa, mía, bắp, mì… Tuy nhiên, tập quán canh tác lạc hậu, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nên hiệu quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Cùng với đó, việc người dân quen sử dụng các giống cây trồng truyền thống có năng suất, chất lượng thấp để sản xuất đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp huyện theo hướng sản xuất hàng hóa. Vì vậy, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất là giải pháp cấp bách được huyện ưu tiên thực hiện.
Là địa phương có diện tích trồng mía khá lớn, cũng là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân thoát nghèo bền vững, nhưng việc sử dụng giống mía truyền thống, cũng như kỹ thuật canh tác, thâm canh của bà con còn lạc hậu, năng suất, hiệu quả không cao. Do đó, để giúp bà con tiếp cận với các giống mía mới có năng suất cao, từ các nguồn vốn khác nhau, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đầu tư hỗ trợ hơn 330 triệu đồng để triển khai nhiều mô hình thâm canh các giống mía mới Thái Lan K88-92, K88-65, R570… với quy mô trên 12 ha cho 62 hộ dân ở các xã chuyên trồng mía như: Lơ Ku, Tơ Tung, Nghĩa An… Các giống mía đưa vào sản xuất cho thấy khả năng thích nghi tốt, chống chịu được sâu bệnh hại, năng suất bình quân đạt từ 80 tấn đến 100 tấn/ha. Ông Đinh Glên (làng Stơr, xã Tơ Tung) cho biết: “Trước đây, gia đình mình sử dụng giống mía cũ nên năng suất mía chỉ đạt khoảng 50 tấn/ha, từ ngày chuyển sang sử dụng giống mía K88-92 thì năng suất tăng lên nhiều, khoảng 80 tấn/ha mà cây mía lại ít sâu bệnh”.
Đặc biệt một trong những chương trình đem lại sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Kbang chính là chương trình khuyến công, cơ giới hóa nông nghiệp. Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2012 đến nay, huyện Kbang đã triển khai hỗ trợ và chuyển giao 2.380 máy và công cụ các loại cho nông dân với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Ông Đoàn Thanh Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Chương trình đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, giải phóng sức kéo trong khâu làm đất, đảm bảo thời vụ gieo trồng và giảm tổn thất sau thu hoạch. Hiện trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều tổ hợp tác ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và được nhân rộng trên địa bàn.
Hàng loạt chủ trương, biện pháp được triển khai thực hiện đem lại những kết quả khả quan. Diện tích các loại cây trồng và sản lượng tăng dần qua các năm, đang dần hình thành nhiều vùng nông sản hàng hóa giá trị cao, góp phần tăng thu ngân sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Quang Tấn