Ai bảo vệ quyền lợi cho nông dân trồng mía?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Niên vụ mía năm nay, người dân ở phía Đông tỉnh bán mía cho Công ty cổ phần đường Bình Định không nhận được tiền như lẽ thông thường, mà phải nhận bằng đường. Đến khi Công ty ngừng trả bằng đường và hứa sẽ trả bằng tiền thì cuối cùng những đồng tiền họ đã bỏ mồ hôi, công sức làm ra cũng chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số mía họ đã bán cho Công ty. Cuộc sống của họ đang rất khốn đốn. Thế nhưng, họ lại không nhận được một lời động viên hay chia sẻ nào từ phía cơ quan chức năng.

Ảnh: Hồng Thương
Ảnh: Hồng Thương

Năm nay, nông dân trồng mía ở phía Đông tỉnh đối diện với vô vàn khó khăn về tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, năng suất mía giảm, mía bị ép hạ giá, các chi phí khác tăng cao. Bên cạnh đó, việc hứa đầu tư cho vùng nguyên liệu mía của Công ty đối với họ cũng chỉ là “Đem con bỏ chợ”, vì năm nay, sau khi mía trồng lên, công ty không có tiền đầu tư, họ phải tìm kiếm, vay mượn từ những khoản nợ khác để chăm sóc mía. Không những thế, khi bán mía ra, để nhận được đồng tiền mà họ đã bỏ mồ hôi, công sức làm ra cũng không hề đơn giản. Nếu như niên vụ mía năm ngoái, phải đến nửa năm sau họ mới được trả hết tiền thì năm nay, họ phải nhận tiền bán mía bằng đường cát trắng thay vì nhận bằng tiền như lẽ thông thường. Nghiệt hơn, đường họ nhận được cũng chỉ bằng phiếu. Muốn lấy được tiền, họ phải ký vào phiếu bán đường do Công ty cấp và chấp nhận chịu lỗ 200 đồng/kg (từ 11.100 đồng xuống 10.900 đồng/kg). Sau đó, Công ty ngừng trả bằng đường và hứa sẽ giải quyết bằng tiền, nhưng đến nay chỉ trả nhỏ giọt khiến cho nông dân càng thấp thỏm lo âu khi không biết đến lúc nào mới được trả tiền mía.

Như vậy, rõ ràng là Công ty đã vi phạm hợp đồng bán mía được ký kết từ đầu năm là: “Tiền bán mía sẽ được thanh toán sau khi đã khấu trừ một phần hay toàn bộ số tiền đầu tư/ứng trước trong vòng 3 ngày sau khi giao mía, bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản”. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi và đời sống của nông dân bán mía cho Công ty. Vậy nhưng, khi phóng viên trao đổi vấn đề với Sở Nông nghiệp và PTNT thì nhận được câu trả lời những nội dung liên quan đến giá cả thuộc về Sở Công thương. Qua Sở Công thương, phóng viên nhận được câu trả lời: Sở đã nắm nội dung này, nhưng vấn đề này thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Vậy là, trong khi nông dân đang trong tình thế khốn đốn vì quyền lợi bị xâm phạm, rất cần một tiếng nói bảo vệ của cơ quan nhà nước thì “trái bóng” trách nhiệm lại bị hai Sở đá qua, đá lại. Trước sự thờ ơ này, liệu rằng người dân có còn niềm tin vào cây mía-một loại cây trồng chính trong định hướng phát triển kinh tế của các huyện phía Đông tỉnh (?!).

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.