Ia Pia ngày ấy tôi về…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những mặt người hốc hác, sạm nắng gió. Những nóc nhà ngang mái ngói, tường gạch vữa thấp. Những chiếc vuông sân đất. Những tán lá vú sữa sau nhà. Những cội mai cằn cỗi bên giọt nước trước sân… Mỗi khi nhớ về xã Ia Pia, huyện Chư Prông 20 năm về trước thì hiện lên ngay trong đầu cái phác họa giản dị đó cùng với con đường đất dốc dài bụi mù khấp khểnh băng qua xóm. Không xa là cánh rừng xanh xanh đậm nhạt điểm chen những vườn cà phê, có lối đi nhỏ hút 2 bên le sậy chập chờn.

Người dân làng Lú chăm sóc vườn tiêu.
Người dân làng Lú chăm sóc vườn tiêu.

Người lạ đến là cả xóm biết. Có lẽ bởi cuộc sống gần như biệt lập, bởi cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông quá khó khăn nối đoạn đường dài 20 km từ ngã ba Phú Mỹ (quốc lộ 14) đến với cái xã nghèo này nên họ thèm được đón khách, nhất là khách quê lên. Nhà nào có khách xa đến, cả xóm mừng. Mừng vì bớt phần quạnh hiu. Mừng vì có cái cớ để ngồi lại với nhau thăm hỏi thông tin về quê nhà, nghe ngóng chuyện đất, chuyện người nơi khác. Chiều tháng tư nắng mật, ngày dài, xuống chậm. Bên bàn nước đặt trước sân, chú Bảy Ngọc cùng tôi đón buổi hoàng hôn chùng chình, ngờm ngợp. Bên kia rào, người phụ nữ tuổi ngoài 60 (lúc sau biết đấy là cô Tám Xây), cất tiếng: “Đứa nào dẫy (vậy) anh Bảy? Có họ hàng gì với nhà mình hông?”. “Qua đây thì biết”. “Dạ. Tui lỡ tay nồi cháo heo rầu (rồi) qua liền!”. Rồi 2 người đàn ông trên đường đi rẫy về, cua xe đạp ghé lại, nở nụ cười xã giao hiền khô: “Khách ở quê mới tới hé (hả) chú Bảy? Để cháu chạy về nhà chắt xị rượu uống cho vui, trà lá làm gì khó ngủ”. “Mầy được cái gặp nhau lần nào cũng rượu”, chú Bảy mắng yêu. Người đàn ông trung niên lên xe quày quả đạp.

Đêm đầu tiên, dưới ngọn nê-ông đỏ quạch, nhà chú Bảy Ngọc khá đông khách, là hàng xóm, phần lớn có họ hàng với nhau. Lớp người “khai thiên lập địa” tuổi đã ngoài 60, lên với đất này từ năm 1976, mấy trăm hộ dân từ huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đi làm kinh tế mới. Cuộc sống quá khó khăn, nhiều hộ đã bỏ về hoặc tản đi nơi khác. Rồi nhiều hộ khác lại lên, có đến 3 đợt như vậy mới hình thành nên 5 thôn người Kinh như bây giờ. Sống quần tụ người chung quê gốc nên từ giọng nói cho đến nếp sinh hoạt vẫn không thay đổi, nếp quê cứ thế mà tự nhiên lưu giữ, truyền đời.

Sớm ngày chưa mở mắt đã nghe người con dâu ông Bảy Ngọc lọ mọ nhóm bếp nấu cơm. Trong giấc ngủ lơ mơ, nghe tiếng củi khô bắt lửa nổ lách tách cháy giòn. Mùi khói bếp quyện cùng mùi cơm sôi chín tới len tỏa trong gió sớm đánh thức khứu giác ngày xa lơ xa lắc mà rưng rưng ký ức. Đã 6 giờ sáng nhưng trời chưa sáng hẳn, có làn hơi nước từ cánh rừng theo gió lành lạnh loang qua. Mọi người trong gia đình đều thức dậy ngồi quanh chiếc chiếu vuông trải trên nền tráng xi giữa gian bếp rộng. Chén cơm nóng bốc khói ăn cùng thịt heo kho rim (khi thì cá đồng kho nghệ), bên cạnh chén nước mắm mặn dằm ớt không qua pha chế tưởng chừng như khó nuốt, thế mà hôm nào tôi đánh vèo hết 2 chén cơm đầy. Xong, người nào việc nấy: Trẻ con đến trường, người lớn ra vườn rẫy. Rộn ràng trong chốc lát, xóm làng trở nên im ắng chỉ còn tiếng gió vi vút, tiếng gà bới mồi túc gọi, tiếng chim gù, chó sủa vu vơ…

Cơn mưa giông đầu mùa như trút nước làm thỏa cơn khát cho cây tiêu, cây cà phê khiến bà con hả hê sung sướng. Họ rủ nhau ăn mừng bằng bữa bánh xèo sực nức cả xóm. Không tiện buổi chợ, thiếu nguyên liệu, họ thịt gà, lóc xương lấy phần nạc bằm nhỏ nấu nước chấm với bánh xèo vỏ. Cũng rượu gạo nhâm nhi, cánh đàn ông rôm rả chuyện mùa màng, giá cả.

Hàng quà ở đây không có gì khác ngoài mấy lò bánh hỏi vì không có khách. Tiết kiệm chi tiêu đã thành nếp, với lại người dân quê nhất là phụ nữ rất ngại mang tiếng ăn hàng, ăn chợ. Nếu lỡ chân, quá bữa đừng tìm quán xá, có đâu. Cũng đừng nhịn suông, cứ ghé vào nhà nào đấy bên đường, gặp người lớn ngỏ lời xin bánh tráng nhúng nước, chấm mắm ruốc hay nước mắm cho qua cơn, đừng ngại.

Ia Pia nay khác trước nhiều lắm. Con đường đất 20 km mưa lầy, nắng bụi giờ trải nhựa phẳng lì, phương tiện giao thông rất sẵn. Ia Pia có nhiều ngôi nhà kiểu Thái. Đại gia tiêu, cà phê sắm ô tô đắt tiền, tậu nhà ngoài phố nhưng họ vẫn nâng niu nơi này, như là quê gốc nơi xứ người!

Nguyễn Đình Phê

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

null