(GLO)- Huyện Ia Pa hiện có 212 đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thời gian qua, các địa phương trong huyện đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng này. Bình quân mỗi năm huyện chi trên 4 tỷ đồng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công.
Trong 6 năm qua, huyện đã xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 1 tỷ đồng. Từ số tiền này, huyện đã trao tặng hàng chục sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người có công với cách mạng; đồng thời, hoàn thành xây mới và sửa chữa nhà ở cho hơn 44 gia đình. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn gia đình người có công phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát.
Bà Trần Thị Bé là thân nhân liệt sĩ ở thôn Bình Trung (xã Chư Răng) được hỗ trợ xây nhà khang trang. Ảnh: L.P |
Cùng với đó, việc giáo dục truyền thống đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” cũng được các cấp, các ngành ở huyện Ia Pa quan tâm thực hiện. Cứ gần đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hàng năm, Huyện Đoàn lại phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho thanh thiếu nhi dọn vệ sinh và thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ ở trung tâm huyện và Nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã Pờ Tó; thăm hỏi các gia đình chính sách...
Ông Lữ Phúc Phụng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ia Pa, cho hay: “Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ đầu năm 2018 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đã tặng 10 sổ tiết kiệm và nhận 3 sổ tiết kiệm của tỉnh để trao cho các đối tượng người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Phòng đã tham mưu cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đưa 4 đối tượng người có công với cách mạng đi nghỉ dưỡng tại TP. Đà Lạt”.
Xã Chư Mố là điểm sáng về phong trào đền ơn đáp nghĩa của huyện Ia Pa. Toàn xã có 23 thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ngoài việc xuất ngân sách để thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, Tết, hàng tháng, xã còn chủ động tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, người có công. Qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thấu hiểu hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. “Trong thời gian qua, Đảng ủy và UBND xã thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi để nâng cao đời sống kinh tế của gia đình người có công, hộ chính sách. Nhờ đó, cả 23 gia đình đều đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả”-ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố, cho hay.
Nhờ được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nên nhiều hộ chính sách ở huyện Ia Pa đã vươn lên ổn định cuộc sống. Gia đình ông Nguyễn Ích Chẩn (thôn Đồng Sơn, xã Kim Tân) là một ví dụ. Ông Chẩn tham gia chống Pháp từ năm 1947. Đến tháng 5-1956, ông phục viên về địa phương tham gia làm kế toán hợp tác xã, Ủy viên Thư ký UBND xã, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã… Dù ở cương vị nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với những cống hiến đó, ngoài việc được trao tặng 40 triệu đồng để xây mới nhà ở, gia đình ông còn được chính quyền địa phương tặng sổ tiết kiệm, quà nhân các ngày lễ, Tết. “Đảng và Nhà nước quan tâm chế độ chính sách gì thì người có công như chúng tôi đều được giải quyết kịp thời. Cuối đời như thế cũng toại nguyện lắm rồi”-ông Chẩn cho biết.
Năm 1959, ông Rmah Huôh (thôn Ama Lim 2, xã Chư Mố) tham gia hoạt động cách mạng rồi bị địch bắt tù đày. Trở về cuộc sống đời thường, ông và gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến nay, gia đình ông đã có nhà ở khang trang, cuộc sống dần ổn định. “Gia đình tôi được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ rất nhiều, nhất là về nhà ở, khám-chữa bệnh, phát triển sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Từ đó mà cuộc sống của gia đình tôi dần khá lên”-ông Rmah Huôh bày tỏ.
Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: Mặc dù là huyện nghèo nhưng địa phương đã nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị, khai thác nguồn lực quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách và người có công. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã khơi dậy, nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng, thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhiều gia đình người có công đã nỗ lực vươn lên có kinh tế khá, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của địa phương. |
Loan Phương