Ia Pa: Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 6 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, hàng trăm hộ dân ở huyện Ia Pa đã thoát nghèo, trong đó nhiều hộ vươn lên khá giả.

Lan tỏa cuộc vận động

Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động năm 2011, huyện Ia Pa đã thành lập Ban vận động cấp huyện, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Mặt trận phụ trách địa bàn và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch triển khai.

 

Nhờ phát triển nuôi dê Bách Thảo, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ia Pa đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.P
Nhờ phát triển nuôi dê Bách Thảo, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ia Pa đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.P

Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã triển khai các nội dung của cuộc vận động phù hợp với từng địa phương; cử cán bộ phối hợp với các ngành chuyên môn và hệ thống chính trị cơ sở xuống thôn, làng, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các nội dung, tiêu chí của cuộc vận động. “Trên cơ sở kế hoạch hành động của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã xây dựng chương trình hành động của mình. Việc trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, tiến tới là cầm tay chỉ việc, bằng hành động cụ thể giúp thay đổi cách làm của đồng bào DTTS, hướng đến mục tiêu thực hiện nếp sống văn minh, xóa nghèo bền vững”-ông Châu Lượng-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa, cho hay.

Để cuộc vận động đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thực sự, MTTQ các cấp đã phối hợp cùng với các ban, ngành chuyên môn hướng dẫn người dân cách thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, cải tạo vườn rau xanh tại nhà, đưa vật nuôi ra khỏi gầm nhà sàn, tư vấn cách chi tiêu gia đình một cách khoa học; thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng gọn gàng, ngăn nắp, bố trí thời gian lao động, sinh hoạt hợp lý; tiết kiệm trong việc cưới, việc tang… Bên cạnh đó, phối hợp Phòng Văn hóa-Thông tin huyện triển khai sâu rộng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa kết hợp “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với ngành chuyên môn, các xã xây dựng mô hình về phát triển sản xuất, chăn nuôi, thay đổi nếp sống. Trong đó, nhiều mô hình có sức lan tỏa mạnh, thu hút đông thành viên, hội viên tham gia như: mô hình dồn điền đổi thửa trồng mì ở xã Ia Kdăm thu hút hàng chục hộ đồng bào Jrai tham gia thực hiện với diện tích trên 13 ha; xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn tại xã Ia Kdăm thu hút gần 30 hộ đồng bào Jrai tự nguyện phá bỏ bờ lô để hợp thửa được 30 ha; trồng lúa lai tại xã Chư Mố cho năng suất và hiệu quả cao; trồng gừng tại nhiều làng của xã Ia Ma Rơn; mô hình nuôi dê Bách Thảo tại xã Ia Tul thu hút hàng chục hộ tham gia, nâng tổng đàn dê của xã lên gần 1.000 con. 

 

Nông dân Ia Pa góp đất trồng mì mẫu lớn cho năng suất, hiệu quả cao. Ảnh: Đ.P
Nông dân Ia Pa góp đất trồng mì mẫu lớn cho năng suất, hiệu quả cao. Ảnh: Đ.P

Thoát nghèo bền vững

Ông Hiao Anh (buôn Biah B, xã Ia Tul) trước năm 2015 thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được cấp 5 con dê cái và 1 con dê đực Bách Thảo, gia đình ông đã phát triển đàn dê lên 16 con, nhờ đó mà thoát nghèo. “Tôi rất vui mừng vì  được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đàn dê giống để gia đình chăn nuôi, gầy dựng kinh tế. Dê Bách Thảo dễ ăn lại chóng lớn, đẻ nhiều nên đàn dê của gia đình tăng số lượng nhanh chóng. Nhờ đó, cuối năm 2015, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo”-ông Hiao Anh phấn khởi nói.

Còn ông Rah Lan Ký (buôn Ơi Briu 2, xã Chư Mố)-nhóm trưởng nhóm trồng mía mẫu lớn-cho hay: “Nhóm chúng tôi có 3 hộ tình nguyện góp 6,3 ha đất liền kề nhau để trồng mía. Đây là lần đầu tiên cây mía xuất hiện trên cánh đồng rộng lớn này. Các thành viên trong nhóm đã tích cực bơm nước từ hệ thống giếng khoan, tưới béc được Nhà máy Đường Ayun Pa đầu tư nên so với các nơi khác, ruộng mía của chúng tôi tốt hơn nhiều. Chúng tôi chia nhau theo dõi và chăm sóc cho cây mía phát triển tốt để đảm bảo kịp thu hoạch bán cho nhà máy trong vụ ép sắp tới”.

Sau 6 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhận thức của đồng bào DTTS ở huyện Ia Pa trong sản xuất và đời sống đã có sự thay đổi nhất định. Người dân đã tích cực tiếp thu, học hỏi cái mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Nhờ đó, hàng trăm hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, hàng chục hộ vươn lên thành hộ khá, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2017 xuống còn 32,5%.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm