Ia Dom: Huy động sức dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) đã có những cách làm hay, sáng tạo. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình.
UBND xã Ia Dom khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 01.Ảnh: V.H
UBND xã Ia Dom khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 01.Ảnh: V.H
Năm nay đã bước qua tuổi 60 nhưng ông Ksor Bia (làng Mook Trê) vẫn luôn dành thời gian đến từng gia đình trong làng để vận động mọi người tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông Bia tâm sự: “Biên giới bình yên thì người dân mới có điều kiện để phát triển kinh tế. Tôi luôn bảo đám thanh niên và mọi người trong làng khi đi sản xuất hoặc đi đâu mà phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật thì phải báo cho chính quyền, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh để kịp thời giải quyết. Không chỉ chấp hành pháp luật nước mình mà mọi người còn phải tuân thủ pháp luật nước bạn để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị”.
Không chỉ ông Ksor Bia, trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn xã Ia Dom đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình. Hiện nay, toàn xã có 10 tổ tự quản với 55 thành viên, trong đó có 7 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và 3 tổ tự quản đường biên, cột mốc. Các tổ tự quản đã tổ chức 214 lượt tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc và tại các thôn, làng. Cùng với đó, xã có 7 tổ hòa giải với 49 thành viên. Các tổ này đã hòa giải được 49 vụ mâu thuẫn trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Xã Ia Dom có đường biên giới dài 17,6 km, trong đó có 6,2 km đường biên giới trên sông tiếp giáp với huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Xã có 7 thôn, làng với 2.018 hộ, hơn 8.200 khẩu, gần 45% là người dân tộc thiểu số. Chính vì thế, công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia luôn được địa phương đặc biệt chú trọng. Trong 5 năm qua, xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức 148 buổi tuyên truyền tập trung thu hút hơn 12 ngàn lượt người nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ hơn 1.400 lần thu hút hơn 4 ngàn lượt người nghe. Công tác tuyên truyền đặc biệt và tuyên truyền đối ngoại cũng được xã và các đơn vị đặc biệt chú trọng. Theo đó, lực lượng chức năng đã thông qua việc thăm thân, buôn bán và thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh để tổ chức 500 buổi tuyên truyền thu hút hơn 2 ngàn lượt người nghe. Qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đặc biệt là nhân dân 2 bên biên giới đối với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Thông qua việc tuyên truyền, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 91 tin báo từ quần chúng nhân dân, qua đó kịp thời xử lý các vụ việc, không để phát sinh điểm nóng, làm phức tạp tình hình trên địa bàn biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các thành viên tổ tự quản đường biên, cột mốc của xã Ia Dom trao đổi kinh nghiệm công tác. Ảnh: V.H
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và các thành viên tổ tự quản đường biên, cột mốc của xã Ia Dom trao đổi kinh nghiệm công tác. Ảnh: V.H
Bên cạnh đó, để đấu tranh ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn biên giới, các lực lượng chức năng đã gọi hỏi, răn đe 32 đối tượng; tổ chức 375 lần trao đổi, phân tích, trò chuyện để cảm hóa 750 thanh-thiếu niên hư trên địa bàn. Nói về công tác tuyên truyền, vận động thanh niên trên địa bàn, ông Lê Xuân Phả-Trưởng thôn Mook Đen 2-cho biết: “Thôn mình có hơn 300 hộ, trong đó có gần 50% là người dân tộc thiểu số. Trong thôn có một nhóm Tin lành miền Nam Việt Nam sinh hoạt. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, vận động luôn được cấp ủy và các đoàn thể của thôn triển khai thực hiện, đặc biệt là tuyên truyền vận động, giúp đỡ các thanh-thiếu niên hư. Thông qua đó để giúp các em nhận ra những việc làm sai trái, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Trao đổi với P.V, ông Hồ Đình Kỳ-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom-cho biết: Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thì công tác tuần tra bảo vệ biên giới được nhân dân tham gia nhiệt tình. Cùng với đó, công tác giao lưu nhân dân 2 bên biên giới cũng được chú trọng, nhất là với cụm dân cư kết nghĩa giữa làng Mook Đen 1 và làng Pó Lớn (xã Pó Nhầy, huyện Oyadav). Hàng năm, 2 làng này tổ chức thăm hỏi, chúc Tết, giao lưu văn hóa văn nghệ, qua đó cùng nhau góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và đoàn kết. Nhờ triển khai tốt Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ nên tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được giữ vững, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Hội LHPN xã Ia Mơ Nông tặng hội viên thùng rác để bỏ rác sinh hoạt, bảo vệ môi trường. Ảnh: G.H

Ia Mơ Nông chung tay bảo vệ môi trường nông thôn

(GLO)- Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn của xã ngày càng xanh-sạch-đẹp. 

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.

Hàng cây ngô đồng rực sắc trên đường về miền biên giới Ia Mơ. Ảnh: V.T.T

Về miền biên giới Ia Mơ

(GLO)- Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn còn vấn vương trước vẻ đẹp của hàng cây ngô đồng điểm tô sắc đỏ chấm phá trên nền trời xanh biếc dọc miền biên giới Ia Mơ.