Huyện Chư Sê: Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2014 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và an ninh trật tự địa bàn, huyện Chư Sê vẫn đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng. Đây là nỗ lực không nhỏ của địa phương trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn.

Kinh tế tăng trưởng khá

 

Trong năm 2014, mức tăng trưởng kinh tế của huyện Chư Sê đạt 13,92%. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 2.185 tỷ đồng (tính theo giá cố định 1994), trong đó nông-lâm nghiệp đạt 815 tỷ đồng (tăng 10,65%); công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-xây dựng đạt 690 tỷ đồng (tăng 15,38%); thương mại-dịch vụ 680 tỷ đồng (tăng 16,54%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng/năm.

Sản xuất nông nghiệp được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện trong năm đạt 28.883,68 ha; tổng sản lượng lương thực ước cả năm là 29.739,88 tấn. Lợi thế là địa bàn trọng điểm về phát triển hồ tiêu với thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê, các năm qua, bằng nhiều chương trình khác nhau, huyện đã tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây hồ tiêu theo chiều sâu với mục đích nâng cao hơn nữa năng suất và sản lượng thay thế vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp… Đối với cây cà phê, niên vụ cà phê năm 2014 cho năng suất, sản lượng trên địa bàn cao hơn niên vụ trước 10-15%, giá thu mua cao và ổn định nên nhân dân yên tâm sản xuất. Song song với đẩy mạnh sản xuất, công tác bảo vệ thực vật, thủy lợi... cũng được các cấp triển khai đôn đốc, chủ động phòng trừ đạt hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng. Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn huyện là 62.754 con, đàn gia cầm 63.800 con.

Trong năm, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 81,4 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.150 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 1.165 cơ sở kinh doanh, đã quy hoạch và phát triển hệ thống chợ với 8 chợ và 3 siêu thị đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.

Lượng vốn đầu tư xây dựng ước thực hiện trong năm 2014 là 23.729,3 triệu đồng. Thu ngân sách năm 2014 (thu tại địa bàn, không tính kết dư chuyển nguồn) là 90 tỷ đồng, chi ngân sách ước thực hiện 409,73 tỷ đồng. Tổng mức huy động vốn của các ngân hàng ước thực hiện đến ngày cuối năm 2014 là 1.089 tỷ đồng; dư nợ của các ngân hàng là 2.302 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu bình quân 0,47%.

…Có thể nói, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế huyện nhà trong năm 2014 vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh.

Đảm bảo an sinh xã hội

 

Bên cạnh chăm lo đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế, lĩnh vực an sinh xã hội cũng được các cấp, các ngành huyện Chư Sê đặc biệt quan tâm. Năm học 2014-2015, huyện có 62 cơ sở giáo dục, với 32.414 học sinh. Nhờ chú trọng đào tạo chất lượng mũi nhọn nên trong năm học 2013-2014, toàn huyện có 112 em tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh ở 8 môn, kết quả đội tuyển học sinh giỏi huyện đạt được 73 giải, xếp thứ nhất toàn tỉnh về số lượng học sinh giỏi cũng như số lượng giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Công tác phổ cập mầm non 5 tuổi đạt 3 xã, đạt 100% kế hoạch. Đến nay đã có 15/15 xã, thị trấn hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt so với kế hoạch…

Trong năm, ngành Y tế đã tổ chức khám bệnh cho 81.608 lượt người, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 6.471 người, số bệnh nhân điều trị ngoại trú 18.584 người, số ngày điều trị nội trú 47.562 ngày. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt, trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra. Phần lớn các bệnh có tính chất gây dịch đều được chữa trị giám sát và khống chế kịp thời, đã được điều trị khỏi bệnh và không có khả năng gây dịch.

 

  Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2015: giá trị sản xuất đạt 2.498 tỷ đồng, sản lượng lương thực quy thóc 29.769,8 tấn; diện tích gieo trồng 28.940,18 ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,7 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng đạt 794,36 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn 391,153 tỷ đồng, chi ngân sách 385,765 tỷ đồng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản huyện quản lý 57,7 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 9,29% trong tổng số hộ nghèo, giải quyết việc làm mới cho 1.421 người, hoàn thành xây dựng 4 xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới (Al Bă, Ia Blang, Ia Hlốp và Ia Glai)…

Ở lĩnh vực thể dục-thể thao, đoàn vận động viên của huyện tham gia Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Gia Lai lần thứ VII năm 2014 tham dự ở 8 môn thi đấu. Kết quả: đạt 8 HCV, 8 HCB, 21 HCĐ, xếp hạng 7/20 đoàn về tham gia đại hội. Huyện còn tổ chức thành công nhiều hoạt động thể dục thể thao khác: giải bóng đá công nhân, viên chức-lao động huyện nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải bóng chuyền các đội mạnh lần thứ VI và giải bóng đá doanh nghiệp toàn huyện năm 2014. Các phong trào thể thao đã thu hút hàng ngàn lượt người đến xem và cổ vũ, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.

Đặc biệt, huyện đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện lần thứ II-2014. Ngoài ra, trong năm huyện đã mở 21 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với trên 571 học viên, giải quyết việc làm mới cho 1.489 lao động. Để giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, huyện đã cấp 78 con bò giống cho các hộ đăng ký thoát nghèo năm 2014 tại 3 xã: Ayun, Hbông và Al Bă từ nguồn kinh phí ngân sách huyện; cấp 36.628 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng II, III và các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội kịp thời. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,59%, giảm 5,35% so với năm 2013.

Qua rà soát hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất, kết quả có 333 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích 220,85 ha và 268 hộ thiếu đất ở với diện tích 4,48 ha. Ngoài ra, còn triển khai 9 dự án định canh định cư xen ghép cho các hộ dân tại các xã: Ia Hlốp, Bờ Ngoong, Ayun và Hbông. Triển khai cấp phát dầu hỏa, tiền điện năm 2014 cho 4.300 hộ nghèo với kinh phí 1,878 tỷ đồng. Trong năm, các ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm tham gia thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin” cho 1.343 đối tượng với tổng giá trị 256,89 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các đơn vị từ thiện thăm và tặng quà cho các hộ nghèo khó khăn, hộ dân tộc thiểu số tại xã Ia Ko, trị giá 100 triệu đồng; phối hợp với các tổ chức xã hội triển khai công tác xã hội tại xã Hbông, Bờ Ngoong, Ia Pal... tổng giá trị hoạt động công tác xã hội năm 2014 là 854,4 triệu đồng.

Kinh tế tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo là tiền đề quan trọng để Chư Sê phấn đấu hoàn thành tốt hơn các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trong năm 2015.

Nguyễn Hồng Linh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm