(GLO)- Nhờ được tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Chư Pưh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…
Những năm trước, gia đình chị Kpă H’Mi, làng Djrêk, thị trấn Nhơn Hòa được liệt vào là một trong những hộ nghèo nhất làng. Dù có quỹ đất rộng lớn, nhưng vì thiếu nguồn vốn, gia đình chị chỉ biết loay hoay với những giống cây ngắn ngày. Quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, gia đình chị vẫn không thể nào thoát khỏi cái nghèo.
Ảnh: Lê Anh |
Năm 2010, được sự giúp đỡ, vận động của chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, chị Kpă H’Mi đã mạnh dạn đứng ra vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh để đầu tư vào sản xuất. Từ nguồn vốn vay ban đầu 30 triệu đồng, chị bỏ ra cải tạo đất, tìm tòi học hỏi những người xung quanh về kỹ thuật và cách chăm sóc để đầu tư trồng mới 200 trụ hồ tiêu. Trải qua 4 năm nhọc nhằn, bây giờ vườn tiêu gia đình chị H’Mi đã cho thu hoạch, với nguồn thu hơn 180 triệu đồng. Không những sớm hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng, chị còn có thể sắm sửa những vật dụng cần thiết cho gia đình và đang từng bước vươn lên ổn định cuộc sống: “Trước đây vì thiếu vốn, nên gia đình tôi không có điều kiện để đầu tư vào sản xuất, nhưng từ khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện quan tâm cho gia đình vay vốn để trồng cây hồ tiêu. Đến nay, vườn tiêu đã cho thu hoạch ổn định, nhờ đó đã giúp gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, không còn thiếu ăn như trước nữa…”- chị Kpă H’Mi tâm sự.
Ngoài chị Kpă H’Mi, nhiều hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện Chư Pưh cũng đã biết cách khai thác hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cùng với sự cần cù, chăm chỉ của bản thân, nên từ hộ nghèo, giờ đây không ít nông dân tại huyện Chư Pưh đã thoát được đói nghèo. Nhiều hộ còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Theo thống kê từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh, đến nay tổng dư nợ thông qua cho vay ủy thác từ các hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh… đạt gần 140 tỷ đồng với 7.116 hộ vay vốn. Trong đó, hội viên Hội Nông dân huyện đạt dư nợ cao nhất với hơn 51 tỷ đồng. Dù dư nợ tăng cao, nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt, hiện chỉ chiếm 0,13% tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân-Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Pưh cho biết: “Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tích cực phối hợp cùng các hội, đoàn thể của địa phương triển khai cho vay vốn đến các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Thông qua chương trình vay vốn ưu đãi, được sự giúp đỡ, quan tâm sát sao của các cấp hội, đoàn thể, nên hầu hết các hộ vay vốn đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao…”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong năm qua, huyện Chư Pưh đã thoát nghèo được 626 hộ, hộ cận nghèo là 326 hộ. Có được điều này, cũng nhờ những đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai tại địa phương. Theo quy định mới hiện nay, hạn mức cho vay vốn tối đa đối với các đối tượng hộ nghèo và cận nghèo đã được nâng từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ. Đây là tín hiệu vui để những hộ thuộc diện chính sách trên địa bàn huyện Chư Pưh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, để đầu tư mở rộng diện tích và quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Lê Anh