(GLO)- Mục tiêu của việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nhằm tạo ra lợi nhuận cao hơn trên cùng một vùng đất và những năm trở lại đây, việc chuyển đổi này đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp của nông dân thị trấn Kbang, huyện Kbang.
Việc chuyển đổi ngành nghề đã thu hút được đông đảo nông dân trên địa bàn thị trấn tham gia và đã có nhiều mô hình kinh tế được nông dân học hỏi, áp dụng. Trong số đó phải nhắc đến mô hình chăn nuôi gà ta thả vườn và nuôi heo rừng của gia đình chị Đặng Thị Vừng, tổ dân phố 20. Gia đình chị nằm trong danh sách những hộ được đền bù, hỗ trợ sau khi bị thu hồi đất cho thủy điện An Khê-Ka Nak.
Và sau khi có tiền đền bù đó, chị đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình vườn-ao-chuồng, mà cụ thể là đào ao thả cá, nuôi gà ta thả vườn và nuôi thêm heo rừng. Nhờ biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như biết cách chọn giống, nên thu nhập hàng năm của gia đình chị ngày càng được cải thiện, trừ chi phí hàng năm thu nhập trên 50 triệu đồng.
Cùng với mô hình của gia đình chị Vừng là mô hình của nông dân Nguyễn Văn Thường, ở tổ dân phố 10 nhưng thay vì nuôi gà, nuôi heo rừng như gia đình chị Vừng, anh Thường lại chọn một hướng đi mới và khá lạ hiện nay-nuôi chồn hương để cho ra sản phẩm cà phê chồn. Dù đây là mô hình khá mới mẻ trên toàn tỉnh, song bước đi mang tính “đột phá” này của anh bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế khá cao. Một cặp chồn hương trung bình mỗi tháng có thể cho ra sản phẩm 1-2 kg cà phê chồn và mỗi kg có giá từ 500 ngàn đồng trở lên.
Điều đó đồng nghĩa với việc, mỗi tháng gia đình anh thu từ 6 triệu đồng đến 12 triệu đồng/cặp chồn hương. Hơn thế, cà phê chồn hiện được xếp vào loại cà phê đặc biệt nên sản phẩm do anh làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Hay mô hình vườn chuối hương của gia đình anh Mai Xuân Thanh, ở tổ dân phố 5 hàng năm cũng cho thu nhập trên 50 triệu đồng…
Việc chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nông dân thời gian qua đã có sự đồng hành của Hội nông dân thị trấn Kbang thông qua các buổi hội thảo đầu bờ, các buổi tập huấn về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chọn giống cây trồng, hay thông qua các lớp dạy nghề… nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Mặt khác, Hội cũng tạo điều kiện để hội viên được vay vốn của dự án phát triển ngành nghề và chăn nuôi bò lai để phát triển kinh tế.
Qua 4 đợt triển khai cho nông dân vay vốn dự án với số tiền trên 1 tỷ đồng, Hội đã giải quyết cho khoảng trên 150 lao động và tăng thêm nguồn thu nhập cho hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương Hội, Hội còn tìm kiếm thêm nguồn vốn từ kênh của Ngân hàng và đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện là trên 9 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hội đã triển khai tổ chức vận động Qũy hỗ trợ nông dân của thị trấn được trên 70 triệu đồng, giải quyết cho 40 lượt hội viên vay. Còn ở các chi hội cũng đã vận động gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế được trên 90 triệu đồng, có chi hội còn vận động được trên 20 triệu đồng, số tiền này đã giúp cho nhiều hội viên vượt qua khó khăn, tăng thu nhập. Thông qua hoạt động này, số hội viên đăng ký vào Hội ngày càng đông và đã xuất hiện nhiều hộ nông dân có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm.
Hiệu quả bước đầu của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng đã tạo động lực để nhiều nông dân khác mạnh dạn chuyển đổi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cũng như đầu tư trong việc chọn giống mới đưa vào trồng trọt… nhờ đó năng suất chất lượng cây trồng không ngừng tăng lên, đời sống người dân cũng được cải thiện, hộ khá-giàu tăng cao. Hàng năm toàn huyện có khoảng 300 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi.
Ông Nguyễn Văn Thi- Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Kbang, cho biết: Trên địa bàn thị trấn hiện nay, hội viên nông dân đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế khác nhau: trồng cao su, ca cao, chuối hương, nuôi cá lồng bè, nuôi gà gô, gà ta thả vườn, nuôi heo rừng, nuôi nhím, nuôi cá trê lai, nuôi chồn hương ăn cà phê… Đây là những mô hình không chỉ phù hợp với đất đai, khí hậu mà còn có thể khai thác lao động, tiền vốn, áp dụng khoa học vào sản xuất để tạo ra nhiều giá trị hàng hóa, giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Phương Dung