Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng: Hội tụ sức trẻ và niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua tìm hiểu và nghiên cứu các mô hình lập nghiệp, anh Kpă Séo (buôn Ia Prong, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã vận động thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng để tập hợp thanh niên cùng chí hướng liên kết, phát triển sản xuất trên vùng “chảo lửa”.

Trong quá trình thực tập tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ khi còn là sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, anh Séo có cơ hội được tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả của một số HTX. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của địa phương, anh đã trao đổi cùng bạn bè về ý tưởng thành lập HTX để liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương cũng như triển khai một số mô hình kinh tế có tiềm năng. Được gia đình và chính quyền địa phương khích lệ, tháng 8-2021, HTX nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng chính thức được thành lập do anh Kpă Séo làm Giám đốc.

 Lễ ra mắt Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyên Hương
Lễ ra mắt Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyên Hương


Hợp tác xã có 17 thành viên đều là đoàn viên, thanh niên. Tất cả đều có chung lý tưởng lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Khởi điểm, mỗi thành viên đóng góp 10-25 triệu đồng và nguồn vốn của HTX là 200 triệu đồng, ngoài ra còn có 2 máy cày, 2 xe tải và 100 ha đất nông nghiệp. Bước đầu, HTX kinh doanh đa lĩnh vực, trong đó, tập trung sản xuất nông nghiệp và dịch vụ như: thu mua nông sản, chăn nuôi, cung ứng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu…

Anh Séo chia sẻ: Nhiều thanh niên trong xã đi làm công nhân tại các tỉnh phía Nam dẫn đến tình trạng thiếu lao động tại chỗ và ảnh hưởng đến phong trào Đoàn. Vì vậy, mục tiêu của HTX là thu hút nguồn lao động trẻ để khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương. “Định hướng hoạt động của HTX là liên kết trong sản xuất kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cũng như bao tiêu sản phẩm”-anh Séo khẳng định.

Anh Kpă Dêl-Bí thư Đoàn xã Đất Bằng-cho biết: Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng tập trung khai thác sức trẻ, sự nhạy bén của đoàn viên, thanh niên xã nhà. Tuy nhiên, để HTX khởi nghiệp thành công thì rất cần sự hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức giúp các thành viên hiểu rõ bản chất HTX, chính sách, pháp luật trong sản xuất kinh doanh để hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, do hầu hết các bạn trẻ đều đang sống cùng cha mẹ, chưa độc lập hoàn toàn về kinh tế nên thiếu vốn. Vì vậy, HTX rất cần hỗ trợ về vốn và các chính sách ưu đãi của địa phương. Hiện có nhiều HTX trên địa bàn huyện đề nghị liên kết với HTX nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực cho HTX hoạt động ổn định.

Thu mua nông sản là một trong những lĩnh vực kinh doanh của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng. Ảnh: Nguyên Hương
Thu mua nông sản là một trong những lĩnh vực kinh doanh của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thanh niên xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Ảnh: Nguyên Hương


Còn ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng thì cho hay: Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho HTX mượn mặt bằng làm văn phòng để giao dịch. Xã cũng đã giao công trình xây dựng chợ cho HTX để có điều kiện duy trì hoạt động, phát triển sản xuất. Về lâu dài, xã định hướng HTX triển khai mô hình trồng rau an toàn và khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Đảng ủy, UBND xã sẽ tạo điều kiện tối đa để HTX phát triển, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương.

Trao đổi với P.V, anh Nguyễn Đức Tâm-Bí thư Huyện Đoàn Krông Pa-khẳng định: Hợp tác xã do thanh niên làm chủ có nhiều thế mạnh về tri thức, nhiệt huyết, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bước đầu, Ban Chấp hành Huyện Đoàn hướng dẫn cũng như hỗ trợ các bạn về thủ tục pháp lý cần thiết để HTX đi vào hoạt động, gợi mở các dịch vụ có tiềm năng để phát triển tại địa phương. “Đây là HTX do thanh niên làm chủ đầu tiên trên địa bàn huyện. Hy vọng với sự nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, các bạn sẽ mang lại luồng gió mới, góp phần cổ vũ phong trào khởi nghiệp ở địa phương”-anh Tâm kỳ vọng.

 

 NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.