Hợp tác xã Cà phê Tân Nông Nguyên vì lợi ích của xã viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã viên qua việc cung ứng cây giống, phân bón chất lượng, vật tư nông nghiệp với giá thấp; cho xã viên vay vốn đầu tư sản xuất với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ kinh doanh cà phê..., Hợp tác xã cà phê Tân Nông Nguyên (huyện Chư Sê)-đơn vị duy nhất của tỉnh Gia Lai-đang được đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tôn vinh là "Hợp tác xã tiêu biểu năm 2016".

Xã viên hưởng lợi

Mở đầu câu chuyện với P.V, nông dân Nguyễn Văn Trường (làng Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê)- người gắn bó với Hợp tác xã (HTX) ngay từ ngày đầu thành lập, chia sẻ: Tham gia HTX, lợi ích đầu tiên mà ông thấy là các xã viên được mua phân bón thấp hơn giá thị trường (bình quân từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/bao); chất lượng phân bón luôn được đảm bảo… Quan trọng hơn, xã viên còn được HTX cho vay vốn đầu tư sản xuất với lãi suất 9,5%/năm, thấp hơn so với mức lãi suất của ngân hàng. “Tham gia HTX, xã viên chúng tôi có điều kiện gắn kết với nhau, kịp thời hỗ trợ nhau lúc khó khăn, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất..."- ông Trường nói.

 

Ông Trịnh Hùng Lương-làng Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê được HTX hỗ trợ hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật ươm, trồng, bón phân... Ảnh: M.T
Ông Trịnh Hùng Lương-làng Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê được HTX hỗ trợ hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật ươm, trồng, bón phân... Ảnh: M.T

Tương tự, ông Trịnh Hùng Lương (xã Dun, huyện Chư Sê) cũng khẳng định: Ngoài việc đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, về vật tư sản xuất cho người dân, HTX đã từng bước thay đổi tư duy canh tác của các xã viên, hướng họ đến việc canh tác hiệu quả và bền vững. Cụ thể, nhà ông có gần 1 ha cà phê đã già cỗi, kém chất lượng nên ông đang thực hiện tái canh theo kiểu "cuốn chiếu". Ông Lương cho biết, HTX đã hỗ trợ miễn phí hạt giống để ông tự ươm, tư vấn các biện pháp như cải tạo đất, kỹ thuật ươm, trồng, bón phân... "Trước đây, vườn nhà ai nấy làm nhưng từ khi tham gia HTX, các xã viên được sinh hoạt chung, được cung cấp các dịch vụ cần thiết, nhiều thông tin nông nghiệp liên quan đến canh tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê..."-ông Lương phấn khởi cho biết.

Giải thích vì sao các dịch vụ đầu vào mà HTX cung cấp cho xã viên luôn thấp hơn giá thị trường, ông Nguyễn Văn Hòa-Quyền Giám đốc Hợp tác xã cà phê Tân Nông Nguyên cho biết: Do HTX mua phân bón trực tiếp từ đại lý cấp 1, cấp cho xã viên theo giá mua nên xã viên được mua với giá rẻ, lại không sợ gặp phải phân kém chất lượng trôi nổi trên thị trường. Cuối vụ, xã viên nộp sản phẩm cà phê vào HTX để trả nợ (các khoản HTX cung cấp trong suốt mùa vụ như phân bón, thuốc BVTV...), đồng thời xã viên còn được ký gửi số cà phê còn lại vào HTX, sau đó HTX bán chung theo hợp đồng kinh tế đã ký. Sau khi bán, HTX thông tin cho xã viên, giá bán cà phê cũng chính là giá mà xã viên được hưởng. Các xã viên chỉ trích lại một khoảng kinh phí nhỏ phục vụ cho hoạt động của HTX (được quy định trong hợp đồng). Cuối năm nếu không sử dụng hết nguồn quỹ nãy, xã viên sẽ được nhận lại 70% phần phí đã nộp.

 

 
Ông Nguyễn Văn Hòa-Quyền Giám đốc HTX cà phê Tân Nông Nguyên: Năm 2014, doanh thu của HTX Cà phê Tân Nông Nguyên đạt 7,7 tỷ đồng, lợi nhuận 237 triệu đồng; năm 2015 doanh thu 8,9 tỷ đồng, lợi nhuận 685 triệu đồng. Tuy con số này chưa là gì so với các "anh chị" đi trước, nhưng HTX đã làm tốt vai trò tập hợp, gắn kết nông dân làm cà phê trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho xã viên trong việc sản xuất và tiêu thụ cà phê, đảm bảo đúng giá thị trường, sản phẩm không bị thất thoát…

Hỗ trợ xã viên khởi nghiệp

Chỉ chưa đầy 3 năm chính thức hoạt động, HTX Tân Nông Nguyên đã và đang là chỗ dựa vững chắc cho người dân trồng cà phê trong vùng. Thế nhưng ít ai biết rằng HTX này suýt chút đã giải thể vì những khó khăn về nguồn vốn khi bắt đầu khởi nghiệp. Hoạt động theo cơ chế cung cấp nợ cho các xã viên nên cần nguồn vốn cao, thế nhưng HTX lại không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các ngân hàng. Chính vì vậy, dù đã thành lập từ tháng 4-2012 nhưng mãi đến tháng 7-2014, HTX mới tiếp cận được nguồn vốn vay nước ngoài (từ Ngân hàng Nông nghiệp Hà Lan) thông qua dự án "Nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh cà phê Robusta bền vững". Từ đây, HTX chính thức "thở cùng nhịp thở với xã viên"- nói theo lời của Quyền Giám đốc Nguyễn Văn Hòa.

Theo ông Hòa, lúc mới thành lập, HTX có khoảng 200 xã viên canh tác trên 240 ha cà phê. Sau 2 năm không thấy hoạt động gì vì thiếu vốn, nhiều xã viên đã rút dần khỏi HTX. Đến năm 2014, HTX chỉ còn lại 104 xã viên với 134 ha. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động hiệu quả, đơn vị này đã tiếp nhận lại thêm 47 thành viên mới, nâng con số này lên 151 xã viên với diện tích 180 ha.

Vốn là những nông dân trồng cà phê, khởi nghiệp cũng vì niềm đam mê cháy bỏng với cây cà phê của tập thể lãnh đạo chính là yếu tố quan trọng giúp HTX hoạt động đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, HTX trở thành cầu nối giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, biết canh tác cây cà phê theo quy trình. Theo ông Hòa: Một trong những tiêu chí của HTX là tổ chức thành viên thực hiện sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng cà phê 4C (cam kết thực hiện các quy tắc phát triển bền vững trong lĩnh vực cà phê), được cấp chứng chỉ chứng nhận. Ngoài ra, tham gia HTX, sản phẩm của xã viên còn được trông giữ, tiêu thụ chung an toàn, không lo đến sự ép giá của tư thương... Từ đó, HTX Cà phê Tân Nông Nguyên đã và đang là chỗ dựa vững chắc cho những nông dân trồng cà phê- là xã viên của HTX.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm