(GLO)- Tiệm tóc Diễm Châu nằm khiêm nhường trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Pleiku) đã nhiều thập kỷ-đoạn có những quán cà phê vỉa hè khá lâu năm với cung cách phục vụ “kiểu cũ” rất đặc trưng. Chủ tiệm-một người thợ già có mái tóc bạc trắng, luôn ăn vận lịch lãm, chỉn chu gợi nhớ đến lớp người đô thị “muôn năm cũ”.
Người quen vẫn gọi là tiệm tóc ông Bình chứ hiếm khi gọi đúng tên cửa tiệm. Giữa thời kỳ bùng nổ những salon tóc với bảng hiệu sáng bóng, sang trọng nhưng tiệm tóc của ông Dương Công Bình dường như đứng ngoài cái “guồng” ấy, giản dị, khiêm nhường nhưng lại ít khi vắng khách. Hiếm có một thợ cắt tóc nào ở Phố núi Pleiku có thâm niên với nghề tóc như ông: hơn nửa thế kỷ. “Chính xác tới nay là 57 năm. Tôi chỉ có vài tháng phải xa nghề vì chạy loạn trong chiến tranh”-ông nói.
Ông Dương Công Bình cùng bộ đồ nghề giản dị đã theo mình hơn nửa thế kỷ với nghề tóc. Ảnh: N.B |
Chừng đó thời gian, ông đã chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của thời trang tóc, từ mái tóc đen buông xõa tự nhiên đậm chất Á Đông đến kiểu tóc uốn lọn to, lọn nhỏ kiểu cách hay mái tóc ép thẳng bóng mượt, rồi bây giờ quay lại tóc xoăn… Thời trang tóc không ngừng biến đổi và tạo ra những xu hướng đặc trưng cho từng thời kỳ, trong đó những người thợ làm tóc như ông Bình luôn là “người trong cuộc”.
Sinh năm 1947 ở “xứ nẫu” Bình Định nhưng phần lớn cuộc đời ông Bình lại gắn bó với Pleiku. Ông nói rằng, ở tuổi này mà còn làm nghề như ông không nhiều, nếu không nói là hiếm. Nhưng cũng vì gắn bó với ngành tóc từ những năm tháng đất nước còn khó khăn và chưa nhiều người yêu chuộng nên ông có nhiều cơ hội tạo nên một phần “góc con người”. Ông kể: “Năm 1965, tôi đi làm thợ cho tiệm tóc Phương Lan trên đường Phan Bội Châu-tiệm tóc rất nổi tiếng thời bấy giờ. Ông chủ Phương Lan đã không còn làm nghề nhưng có người con trai nối nghiệp với tiệm tóc Phương Lan trên đường Hùng Vương hiện nay. Tôi làm thợ cho tiệm tóc này nhiều năm, đến năm 1978 mới ra mở tiệm tóc Diễm Châu và gắn bó với nghề này đến tận bây giờ. Thời kỳ Diễm Châu ra đời, Phố núi Pleiku cũng chỉ có vài tiệm tóc nên đây là nghề ăn nên làm ra, sáng mở cửa tiệm là làm tới tối mịt”.
Theo ông Bình, ngành tóc chỉ phát triển mạnh, nở rộ các salon lớn nhỏ từ năm 2011-2012 trở lại đây. Tự nhận là lớp người già, ông không tránh khỏi những hạn chế nhất định trong việc cập nhật các xu hướng mới. Tuy nhiên, ông lại có những kỹ thuật cắt cúp mà thế hệ trẻ không dễ dàng học được. “Thợ tóc hiện nay được hỗ trợ bởi nhiều loại máy móc, thiết bị, công nghệ, mỹ phẩm, phụ liệu, khác xa thời của chúng tôi chỉ có kỹ thuật đôi tay người thợ là chính, cùng cây kéo sắc và những dụng cụ uốn tóc thô sơ, đơn giản. Nhưng cũng chính vì vậy mà thợ tóc buộc phải tôi rèn cho mình sự chỉn chu, giỏi nghề mới tạo ra được kiểu tóc thời thượng. Tôi có những khách hàng truyền thống đã 40-50 năm. Họ trung thành với duy nhất 1 kiểu tóc, thoạt nhìn thì rất đơn giản nhưng hiện nay nhiều thợ trẻ không thể thực hiện được”-ông Bình nói. Cũng bởi gắn bó với nghề tóc khá lâu, có những khách hàng lâu năm, ông hiểu cá tính của từng người nên luôn làm họ vừa lòng.
Năm nay 62 tuổi, là một trong những khách hàng truyền thống của tiệm tóc ông Bình, bà Diễm Phương (đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) nói: “Tôi là khách hàng của ông Bình đã 40 năm nay. Một vài lần tôi đã thử ghé tiệm tóc khác để tìm kiếm sự mới lạ nhưng không nơi nào làm tôi hài lòng bằng cây kéo của người thợ già”. Bà cho biết, từ lúc trẻ đến giờ bà chỉ trung thành với kiểu tóc tém, khi còn trẻ thì tém cao, về già thì tém thấp xuống cho hợp lứa tuổi. Có lẽ do chiều lòng được những khách hàng lớn tuổi bằng những kiểu tóc phù hợp nên có lần, ông còn vinh dự cắt tóc cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi bà có chuyến công tác tại Gia Lai. Ông kể: “Hồi ấy bà vẫn đang còn là Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Bà không yêu cầu gì cả, chỉ nói nhẹ nhàng là anh cứ làm theo cách của anh. Sau đó, nữ Bộ trưởng khá hài lòng với kiểu tóc mới, trước khi ra về còn bắt tay và chúc tôi có nhiều sức khỏe để làm việc”.
Người thợ già nói rằng, dù cắt tóc cho một chính khách hay một người dân bình thường, ông đều phục vụ hết lòng. “Tôi nhớ mãi lời người thầy đầu tiên dạy tôi về nghề tóc. Ông nói với tôi rằng, nghề này “làm trên đầu trên cổ” người khác nên phải đặt chữ “tâm” lên hàng đầu. Tôi luôn ghi nhớ câu nói ấy. Không phải ai tới yêu cầu uốn, duỗi tôi cũng làm bằng mọi giá để lấy tiền, bởi có thể kiểu tóc đó không phù hợp với họ. Đôi khi mình từ chối làm khách hàng ngạc nhiên lắm, nhưng sau đó họ còn tới để cảm ơn và trở thành khách hàng thường xuyên. Tôi nghĩ, thời trang tóc biến đổi kiểu nào cũng vậy, hết xoăn rồi thẳng, nhưng phải đảm bảo có một mái tóc bóng khỏe, giữ được sự nền nã, phù hợp cho người phụ nữ, vì “cái răng cái tóc không chỉ là “góc con người”, mà nó còn là văn hóa, lối sống nữa”-ông nói.
Nguyên Bình