Hồi ức về cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Trần Văn Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong bì hồ sơ của cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Trần Văn Bình (tên thường gọi là Đẳng), ngoài lý lịch cùng một số giấy tờ, còn có ảnh chân dung ông và một vài tấm hình khác. Hồ sơ của ông khơi dậy trong tôi nhiều điều về lịch sử địa phương. Quả thực, cách đây hơn 20 năm, thông tin chi tiết về những con người như ông vô cùng hiếm, chủ yếu vẫn chỉ là truyền miệng.

 

Hơn 20 năm trước, khi còn khá trẻ, tôi ở trong tổ giúp việc cho nhóm tác giả biên soạn sách “Địa chí Gia Lai” (Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 1999). Hăng hái với công việc được giao là tìm, xác minh tư liệu về lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, tuần nào tôi cũng có mặt tại phòng làm việc của Bí thư Tỉnh ủy một đôi lần. Người luôn niềm nở và tận tình giúp tôi khi ấy là ông Lê Tam. Ông không ngần ngại ngồi nghe tôi trình bày hàng giờ về những gì đã có, những thông tin còn thiếu hoặc chưa rõ. Sau đó, hoặc là ông bổ sung giúp tôi ngay, hoặc là ông ghi lại câu hỏi rồi hẹn hôm khác sẽ cung cấp.

Mức độ tình cảm ông dành cho tôi cũng tăng dần theo thời gian: Gặp lần đầu, ông gọi tôi là đồng chí, sau chuyển sang cháu rồi cuối cùng chỉ xưng tên, rất gần gũi. Sau này, tôi mới hiểu ông chính là nhân chứng sống của một giai đoạn lịch sử đặc biệt, 1954-1975. Nhờ ông, tôi có được khá nhiều thông tin quan trọng. Tất cả các tài liệu lưu trữ mà ông Lê Tam cho phép sử dụng đều rất quý nhưng tôi chú ý nhiều đến hồ sơ của Anh hùng Núp và Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (Đẳng).

Đọc lý lịch, tôi nhận ra rằng, từ rất sớm ông Đẳng là người đi nhiều, biết nhiều, đặc biệt là về Gia Lai. Sinh năm 1922, đang học lớp nhất thì nghỉ, ông đã có hơn 4 năm (1940-1944) đi làm thư ký ở nhiều nơi, từ các đồn điền chè Đak Đoa, Biển Hồ đến xưởng cưa Dran, sở mủ Ngo (nhựa thông-N.V), đồn điền cà phê Đồng Nai thượng… Chi tiết này ít nhất cho thấy, ông là người có kiến thức và vốn tiếng Pháp phù hợp với công việc được giới chủ lựa chọn.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (ở giữa) cùng Anh hùng Núp (bìa trái) và Anh hùng Kpă Klơng, năm 1973 (ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm).
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (ở giữa) cùng Anh hùng Núp (bìa trái) và Anh hùng Kpă Klơng, năm 1973 (ảnh tư liệu, Nguyễn Quang Tuệ sưu tầm).


Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Bình (tên thường gọi là Đẳng, bí danh Như Ý), sinh ngày 5-9-1922, tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tham gia cách mạng từ ngày 28-4-1945, vào Đảng ngày 9-11-1946, là 1 trong 134 cán bộ của tỉnh Gia Lai ở lại sau Hiệp định Genève 1954. Sau tháng 8-1955, ông là Bí thư Huyện ủy An Khê; từ năm 1959, ông là Tỉnh ủy viên; đến năm 1961, là Thường vụ Tỉnh ủy; năm 1963, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 1964 đến 1967 và 1969-1974, ông là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (Khu ủy viên từ năm 1973). 20 năm không gặp lại vợ con, ông mất ngày 19-4-1974, tại căn cứ địa Krong.

Cưới vợ năm 1945, đến năm 1946, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, là Chủ nhiệm Việt Minh xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Không có tài liệu nào cho thấy, khi đi làm sở Tây, ông đồng thời là người hoạt động cách mạng nhưng có thể suy đoán: Cách mạng Tháng Tám đã thu hút hàng ngàn thanh niên, trong đó có ông, đi theo Đảng. Tuy nhiên, chính trong lý lịch, ông đã hé lộ: Ảnh hưởng cha mình, từ nhỏ ông đã có thiên hướng cách mạng.

Theo đó, ông từng theo cha-một lính gác ngục, đồng thời là người hoạt động bí mật đến Nhà lao Quy Nhơn. Sau đó, ông giúp cha in truyền đơn cho tù chính trị; việc bị lộ, cha ông bị bắt giam, tra tấn rồi quản thúc. Chính trong thời gian này, ông đã gặp và được nhiều chiến sĩ cộng sản như “thầy Tuân nhà đèn, cô Trâm Phù Cát” giáo dục, giác ngộ. Đây là chi tiết chưa nhiều người biết, có thể xem như động lực quan trọng hình thành lý tưởng cách mạng ở ông buổi ban đầu.

Tháng 8-1950, theo sự phân công của Đảng, ông rời Bình Định lên Gia Lai. Trong vai trò người phụ trách chính quyền huyện, ông đã có những đóng góp lớn cho Kon Plông (lúc này thuộc tỉnh Gia Kon). Một bước ngoặt đáng kể là từ sau tháng 8-1955, ông được giao trọng trách mới-Bí thư Khu 8 (An Khê), khi phong trào tại đây đứng trước nguy cơ tan vỡ: Ban Cán sự có 3 người thì 1 đầu hàng địch và trở thành chỉ điểm, khiến Bí thư bị bắt và cán bộ còn lại cũng bị bắn, kéo theo hàng loạt cơ sở bị lộ.

Bình luận về việc này, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, một người hoạt động cùng thời với ông Đẳng-cho biết: “Tình hình như thế là hết sức gay go. Không có lãnh đạo thì quần chúng sẽ hoang mang và đổ bể là chuyện đương nhiên. Nhưng rồi, anh Đẳng chỉ trong vài năm đã làm được điều không tưởng, vực dậy thành công phong trào cách mạng trên đất An Khê. Công ấy lớn lắm, vì nó không chỉ có giá trị ở An Khê mà còn ảnh hưởng đến toàn tỉnh”.

Khi ra Đà Nẵng làm tư liệu, tôi hỏi thêm ông Đỗ Hằng-nguyên Tỉnh ủy viên từ năm 1954, người từng bị giam cầm 18 năm tại Nhà tù Côn Đảo về chi tiết này. “Bí quyết chỉ có một, đó là bám cơ sở. Anh Đẳng đã không ngại hy sinh và rất sáng tạo trong việc cùng đồng đội gây dựng lại tất cả”-ông Đỗ Hằng phân tích.

Theo đó, để cứu vãn tình hình, trời chưa sáng, ông Đẳng đã lặng lẽ rời rừng tìm cơ sở. Để tạo thiện cảm, ông chuẩn bị sẵn “quà” cho những người mà mình sẽ gặp. Đó thường là roi mây để đi cày hoặc trái cây rừng. Tìm sự chia sẻ từ những người đồng hương lên An Khê định cư, đôi khi, ông Đẳng còn hô bài chòi cho họ nghe... “Nhiều cán bộ biết nhưng không phải ai cũng làm được như anh Đẳng”-ông Đỗ Hằng lý giải.

Gần đây, Báo Gia Lai đã giới thiệu bức thư âm thanh dài gần 25 phút, là giọng nói của cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Đẳng, thu năm 1972. Cần nói thêm rằng, ngoài cuộn băng đặc biệt đó, di sản của ông còn có hàng chục lá thư khác. Dù là thư gửi vợ con (tập kết tại Hải Phòng, năm 1955) nhưng tất cả chúng đều giống nhau ở một điểm: Ông luôn đặt việc nước lên trên việc nhà. Ông dặn vợ con phải luôn học tập, công tác thật tốt để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, của Bác và nhân dân miền Bắc. Xa cách 20 năm và rồi vĩnh viễn không gặp lại, có những dòng thư, ông dành riêng cho các con rất cảm động.

Tôi đã gặp hàng trăm người sống cùng thời với Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình những năm tháng chiến tranh trong căn cứ Krong. Tất cả đều dành cho ông tình cảm kính phục và yêu thương. Ông thực sự đã sống trọn đời theo lý tưởng cộng sản, không một chút riêng tư.

 

NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.