(GLO)- Ngày 26-12, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), đã diễn ra hội thảo quốc tế “Du lịch Đà Lạt-Tây Nguyên hội nhập và phát triển” với sự tham gia của lãnh đạo các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, các công ty du lịch, cùng đại diện của một số nước tại châu Á.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngô Khắc Lịch |
Ông Nguyễn Văn Tuấn-Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết, toàn khu vực Tây Nguyên năm 2014 đón khoảng 6 triệu lượt du khách, tăng 14% so với năm trước, khách quốc tế đạt khoảng 400 ngàn lượt, tăng 7%, doanh thu từ du lịch đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013.
Trình bày tại hội thảo, địa diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, cảnh quan Gia Lai có vẻ đẹp tự nhiên, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện một sự hòa hợp của những hệ thống sông xen lẫn núi, thác ghềnh và vùng rừng nguyên sinh tạo nên những thác nước hùng vĩ như Thác Phú Cường, Ya Ma-Yang Rung… có Biển Hồ, hồ Ayun hạ, Ia Ly...
Ông Anar Imanov-Đại sứ nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của thế giới, lượng khách du lịch đến Việt Nam năm sau thường cao hơn năm trước. Những năm qua, ông Anar Imanov đã nhận thấy sự chuyển biến to lớn trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam và Đà Lạt-Tây Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, vị Đại sứ này cũng cho rằng, Việt Nam cần giải quyết vấn đề giao thông đi lại bằng cách hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các vùng miền trong nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của du khách.
Đường hầm đất xét tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm-Đà Lạt. Ảnh: Ngô Khắc Lịch |
Ông Nguyễn Văn Tuấn-Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng thẳng thắng cho biết, mặc dù được quan tâm cải thiện đáng kể những tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch vùng Tây Nguyên còn manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc... mang tích cục bộ của mỗi tỉnh, không tạo được sự liên kết vùng. Các hoạt động còn nặng về hình thức, nội dung chưa phong phú và tập chung chủ yếu vào thị trường nội địa.
Trong thời gian tới, khu vực Tây Nguyên phải tăng cường đổi mới chất lượng du lịch, cải thiện hình ảnh bằng những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, bên cạnh đó cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch tại chỗ; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành và huy động các nguồn lực cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Ngô Khắc Lịch