(GLO)- Thực hiện chương trình công tác năm 2013, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) tỉnh Gia Lai đã thành lập 4 đoàn để kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, hầu hết các sở-ban ngành; hội-đoàn thể và các huyện, thị xã, thành phố đã cơ bản thực hiện theo đúng các nội dung, yêu cầu Kế hoạch số 05 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; bám sát đúng với tinh thần nội dung Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.
Điển hình trong các hoạt động là, công tác tổ chức và kiện toàn bộ máy của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, theo đúng tinh thần Quyết định số 85/QĐ-UBND ngày 5-2-2010 của UBND tỉnh. Ngay từ bước đầu kiện toàn Ban VSTBPN các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành đã nhanh chóng ổn định về công tác tổ chức; ban hành quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch hành động đúng với quy định, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của ban.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và tặng quà trẻ em nghèo xã Ia Phìn (huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Tây |
Thành viên của ban là đại diện các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ và đại diện các hội-đoàn thể và phân công nhiệm vụ cho các thành viên phù hợp với tình hình mới; đồng thời duy trì sinh hoạt hàng quý và họp đột xuất khi cần thiết. Tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng tình hình đội ngũ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo và thực hiện phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ chuẩn bị tốt nhân sự cho cấp ủy, chính quyền; tham mưu trong công tác thực hiện quy hoạch cán bộ nữ và tổ chức kiểm tra đánh giá cán bộ, cử đi đào tạo nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ…
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp chủ động tham gia vào chiến lược, chương trình, dự án, như: phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền và vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tuyên truyền về tiếp cận thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới; chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với gia đình, xã hội; đấu tranh xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng-chống có hiệu quả tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình; thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng tình làng nghĩa xóm.
Đặc biệt, chú trọng các lĩnh vực: dân số, kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe, phòng-chống dịch bệnh và HIV/AIDS; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình; cải thiện môi trường sống. Thường xuyên triển khai tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng-chống bạo lực gia đình. Thực hiện việc giáo dục, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và giáo dục phẩm chất, đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các thành viên trong ban mà các hoạt động, phong trào hỗ trợ cho chị em phụ nữ luôn được triển khai nhanh chóng, được giám sát thúc đẩy thường xuyên đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu có thể kể đến công tác hỗ trợ chị em phụ nữ học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Từ các phong trào như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, thực hiện tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững; phụ nữ Gia Lai với hũ gạo tiết kiệm của Bác Hồ; hỗ trợ vay vốn không lãi hoặc lãi suất thấp, hỗ trợ vật nuôi, cây giống để đầu tư trồng trọt cải thiện kinh tế. Việc đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt trên 90% tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần đạt 80%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đạt 85%…
Ảnh: Hà Tây |
Đặc biệt là tỷ lệ nữ đảng viên tham gia cấp ủy Đảng và HĐND các cấp; tham gia công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước đạt trên 15%; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức vụ chủ chốt trong các ban ngành, đoàn thể của các huyện, thị xã và thành phố; tham gia vào cấp ủy-Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể luôn bảo đảm tiêu chuẩn và đạt kế hoạch đề ra.
Nữ cán bộ, công chức thường xuyên được cử đi đào tạo nâng cao về trình độ chuyên môn và nhận thức chính trị, sắp xếp vào các vị trí thích hợp để phát huy năng lực. Hàng năm, số lượng cán bộ nữ tham gia vào công tác quản lý càng tăng, chất lượng của cán bộ nữ ngày được nâng cao. Công tác giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ trên các lĩnh vực; từ đó ngăn chặn được các tệ nạn mê tín dị đoan, mại dâm, ma túy; phòng và chống bạo lực gia đình...
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần phải được giải quyết thấu tình đạt lý; một số ngành và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ được thành lập và kiện toàn đối với cấp tỉnh, huyện, thị xã và thành phố từ 11 đến 13 người; cấp cơ sở từ 9 người trở lên, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng ngành, địa phương có thể tăng hoặc giảm số người trong thành viên.
Trên thực tế các thành viên của Ban có đầy đủ các đại diện phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ của từng lĩnh vực, ngành. Đáng lý mỗi thành viên đều phải thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức trách nhiệm vụ được giao nhưng ở đây tất cả đều hiểu không đúng và phó thác cho phụ nữ, từ mục tiêu, chương trình hành động cho đến các phong trào. Đó là chưa nói đến các thành viên đều là kiêm nhiệm nên rất bận với công việc chuyên môn.
Vì vậy, hoạt động của một số thành viên trong Ban chưa được thường xuyên liên tục; chưa đổi mới phương pháp để phù hợp với thực tế ở địa phương, nên kết quả thực hiện các phong trào còn hạn chế. Công tác hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ chưa được tổng kết kịp thời; chế độ thông tin báo cáo ở một số cơ sở còn chậm. Một số ngành, địa phương còn gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách cho hoạt động của Ban VSTBPN và lúng túng trong công tác do thiếu tài liệu văn bản hướng dẫn; chưa được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ...
Với những kết quả đạt được và những hạn chế như đã nêu. Hy vọng sẽ sớm được khắc phục, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới.
Từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị trong đời sống xã hội, gia đình; tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào công việc của xã hội và cơ quan, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người và toàn xã hội.
Qua đó, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Nâng cao nhận thức cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình. Thực hiện tốt các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trở thành ý thức tự giác của cán bộ, hội viên phụ nữ. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ chủ động cùng các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức về thực hiện các nghị quyết, chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho phụ nữ trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” lồng ghép đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”; xây dựng “Gia đình gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, đẩy mạnh thực hiện đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trần Văn Nghĩa