Hoàn thành điều tra, xây dựng công viên địa chất KrôngNô, Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chiều 5/9, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông tổ chức Hội nghị công bố, chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”.
Đây là công trình khoa học do Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu trong hai năm, từ 7/2016 đến 7/2018.
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh
Việc hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học này sẽ là cơ sở giúp Đắk Nông bảo tồn, quản lý, khai thác các giá trị di sản nhằm phát triển kinh tế - xã hội khu vực công viên địa chất núi lửa và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đây là Công viên địa chất toàn cầu.
Công trình khoa học đã nghiên cứu đánh giá các di sản địa chất, phi địa chất và triển vọng xây dựng Công viên địa chất Krông Nô theo tiêu chí UNESCO. Các nhà khoa học đã nghiên cứu xác lập, đánh giá về đặc điểm địa chất, các di sản địa chất, tiềm năng di sản văn hóa, đa dạng sinh học… trong Công viên địa chất khu vực Krông Nô. Từ đó, xây dựng hồ sơ khoa học, bản đồ và cơ sở dữ liệu về Công viên địa chất khu vực Krông Nô.
Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô đáp ứng được yêu cầu của UNESCO để trở thành công viên địa chất toàn cầu. Cụ thể, UNNESCO yêu cầu công viên địa chất toàn cầu phải có ít nhất 40 điểm di sản địa chất, trong đó có ít nhất một di sản địa chất có giá trị mang tầm quốc tế.
Công viên địa chất núi lửa Krông Nô có 55 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế. Đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô có tính độc đáo và hiếm gặp trong khu vực cũng như trên thế giới.
Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô được xây dựng dựa trên những di chỉ khảo cổ vật thể và phi vật thể trên địa bàn 6 huyện và một thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông. Việc xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được tiến hành sau khi các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô năm 2014.
Theo các nhà khoa học, công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đắk Nông có giá trị cao về khoa học và du lịch.
Ngọc Minh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.