Việt Nam có công viên địa chất toàn cầu thứ 2 ở Cao Bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

UNESCO vừa thông qua nghị quyết công nhận công viên địa chất Non nước Cao Bằng là công viên địa chất toàn cầu.

Nghị quyết được thông qua lúc 18 giờ (giờ địa phương) ngày 12-4 tại kỳ họp lần thứ 204 được tổ chức tại Paris. Theo đó, công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận theo các tiêu chí: quy mô và khung cảnh, sự quản lý và tham gia của địa phương, phát triển kinh tế, giáo dục, bảo vệ và bảo tồn. Ba mục tiêu chính của công viên địa chất toàn cầu là bảo tồn, giáo dục và thúc đẩy kinh tế địa phương thông qua du lịch địa chất.

 

Thác Bản Giốc ở Cao Bằng được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á.
Thác Bản Giốc ở Cao Bằng được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á.

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 300 km, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng nằm ở vùng đông bắc Việt Nam, với diện tích hơn 3.000 km vuông. Nằm trong công viên là 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An.

Hiện đây là nơi sinh sống của của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Theo thống kê, toàn bộ địa bàn có khoảng 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt.

Đặt chân đến Cao Bằng, du khách không thể bỏ qua các điểm dừng chân nổi tiếng như thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, hang Pác Bó... Ngoài các di tích lịch sử, văn hoá, ẩm thực đặc trưng của tỉnh miền núi cũng là trải nghiệm khó quên trong hành trình của bạn.

Trước đó, cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10-2010. Sự kiện này nâng số lượng công viên địa chất toàn cầu ở Đông Nam Á lên 5: Langkawi - Malaysia (2007), Đồng Văn - Việt Nam (2010), Batur - Indonesia (2012), Gunung Sewa - Indonesia (2015) và mới nhất là Cao Bằng - Việt Nam.

Trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới có tổng cộng 127 công viên địa chất toàn cầu nằm ở 35 quốc gia được UNESCO công nhận. Đây là danh hiệu dành cho một khu vực tự nhiên có ranh giới địa lý - hành chính rõ ràng, chứa một tập hợp di sản địa chất mang tầm cỡ quốc tế được chứng minh có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ. Bên cạnh đó là các giá trị khác về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội...

Theo VNE

Có thể bạn quan tâm

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Tháng 3 về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Nhân chuyến thăm, tặng quà cho hộ nghèo của làng Kon Brung (xã Ayun, huyện Mang Yang) vào ngày 22-3, đoàn công tác của Báo Gia Lai đã có dịp khám phá vẻ đẹp nên thơ mà hùng vỹ của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-nơi có đỉnh núi được mệnh danh là “nóc nhà của Gia Lai”.