Hòa nhịp thở cùng thiên nhiên hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một buổi sáng mù sương, chúng tôi có mặt trên đỉnh Hòn Giao, nơi giáp ranh của hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Sương loãng dần, đã nghe tiếng rơi thảng hoặc của những giọt nước trên tán lá như một cơn mưa nhẹ.

Bước chân thanh thản dưới tán rừng cổ thụ giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam, tâm hồn người trải nghiệm như được thanh lọc giữa không gian mênh mang thiên nhiên kỳ thú…

Chỉ cách đường lớn một quãng rất ngắn, ngay sát khe nước dẫn vào hẻm núi, nhiều loài thú nhỏ nô giỡn như không thèm để ý đến sự có mặt của con người. Vài con rắn màu lục, vài con tắc kè đổi màu nằm lơ đễnh hớp nước mưa trên thân gỗ mục. Ngay bên đường đã thấy xuất hiện nhiều loài cây quý thuộc họ lá kim như thông hai lá dẹt, hoàng đàn, thông đỏ, thông tre lá ngắn, thông nàng, du sam, hồng tùng, thông năm lá, bạch tùng. Tôi lặng người khi đứng dưới gốc cây sồi ba cạnh (Trigonobalanus verticillata), loài cổ sinh sót lại từ thời tiền sử. Những cây sồi ba cạnh quý hiếm cùng với thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), loài thông có tuổi với loài khủng long, chỉ còn một quần chủng duy nhất sót lại trên thế giới đang sinh tồn ở rừng Bidoup, là một điều bí ẩn của thiên nhiên. Giữa rừng già ẩm ướt, tiếng côn trùng râm ran, tiếng những con voọc lạc bầy vọng từ đỉnh núi. Anh Lê Ngọc Nhật, hướng dẫn viên của Vườn kể rằng, đừng nói gì đến vắt và rắn ẩn đầy dưới tàng lá mục, thỉnh thoảng đồng bào Kơ Ho ở các buôn K’long K’lanh, Đưng Ja Jiêng, Liêng Ca đi rừng còn gặp báo và gấu lởn vởn trên những triền rừng. Chó sói rừng Bidoup cũng đã từng kéo đàn xuống núi đến tận huyện lỵ Lạc Dương…


 

Du khách chiêm ngưỡng sự đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Du khách chiêm ngưỡng sự đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.


Đã không ít lần đến với rừng sâu Bidoup - Núi Bà nhưng mỗi lần tôi lại có thêm những cảm giác mới mẻ mà đại ngàn mang lại. Gần hai mươi năm trước, lần đầu tiên đặt chân lên chóp đỉnh của nóc nhà thứ hai Tây Nguyên (sau Chư Yang Sin) này, tôi và mọi người trong chuyến khảo sát ấy đã kinh ngạc thốt lên khi lần đầu tiên được nhìn thấy những cây thân gỗ cực lớn mang tên pơmu. Bạt ngàn rừng pơmu cổ thụ, có cây to đến mấy người ôm không hết đã tồn tại hàng nghìn năm trên đỉnh núi sương giá như những nhân chứng về sự trường tồn của tự nhiên nhiệt đới. Cũng trong dịp ấy, quần chủng thông hai lá dẹt lần đầu tiên được phát hiện trên đỉnh núi này. Ở độ cao hơn hai nghìn mét, bốn mùa lạnh buốt, những loài cây như pơmu và thông hai lá dẹt chống chọi và sinh trưởng như một điều kỳ diệu…

* * *

Với diện tích hơn 70 nghìn ha, nằm ở trung tâm cao nguyên và thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, độ cao nhất của Bidoup - Núi Bà là 2.287 m. Từ đỉnh núi này có thể phóng tầm mắt tới ba cái “view” độc đáo của duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là Nha Trang xanh ngát màu biển, cao nguyên bazan Đắk Lắk và thành phố mù sương Đà Lạt. Một không gian khoáng đạt ẩn hiện qua những thung cao lũng thấp chập chùng mây núi. Bidoup - Núi Bà có 91% diện tích là rừng với các kiểu rừng: rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi trung bình lá rộng, rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi, rừng thưa cây lá kim, kiểu phụ rừng rêu, trảng cỏ, rừng hỗn giao lá rộng và rừng tre nứa.      

Theo TS. Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, riêng khu hệ thực vật có mạch đã ghi nhận tại Vườn có 2.089 loài thuộc 829 chi, 186 họ khác nhau; trong đó có 74 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 35 loài có tên trong danh lục đỏ của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Nơi này cũng được đánh giá là “vương quốc hoa lan” với trên 317 loài thuộc 85 chi trên tổng số 1.250 loài lan của Việt Nam. Về khu hệ thú, Bidoup - Núi Bà còn bốn lớp động vật gồm lớp thú, lớp chim, lớp bò sát và lớp ếch nhái với 131 loài thuộc 27 bộ, 29 họ; trong đó có hơn 70 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới IUCN và có mặt trong danh lục các loài động vật thuộc Công ước CITES. Một điều thú vị khác, Bidoup - Núi Bà được ghi nhận là một trong 221 khu vườn chim đặc hữu thế giới và là một trong ba vườn chim đặc hữu của Việt Nam với 304 loài chim đang sinh sống tại đây...

 

 Hướng dẫn viên Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giới thiệu một số loài thực vật đặc hữu.
Hướng dẫn viên Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giới thiệu một số loài thực vật đặc hữu.



Nói về vườn chim đặc hữu, hơn 20 năm trước, khi tiếp cận với đỉnh cao này, tôi từng gặp Jonathan, nhà điểu học người Anh làm việc tại Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) khi anh dựng lều trên núi hàng tháng trời nghiên cứu các loài chim. Lần đó, mắc kẹt cơn lũ lớn phải nằm lại giữa rừng, tôi đã phải nhờ đến mì tôm và cà phê của anh. Tôi cũng từng may mắn được gặp hai nhà khoa học trẻ ngoại quốc khác trong một chuyến lội rừng Bidoup. Đó là TS. Taylor Spottwood Field từ Đại học Tennesee (Hoa Kỳ) đến đây nghiên cứu về độ che bóng trên cây thông hai lá dẹt và TS. Tim J. Brodribb của Đại học Tasmania (Australia) tìm hiểu thực tế để củng cố những cứ liệu khoa học cho một dự án về sự trộn lẫn sinh thái giữa hai vùng bắc và nam bán cầu. Các nhà khoa học đều tỏ ra ngạc nhiên trước những phát hiện mới mẻ giữa rừng già rậm rạp, âm u bao nhiêu năm qua được bảo tồn một cách khá nghiêm ngặt…
 

*

*     *



Suối Đa Mưng chảy từ chóp đỉnh Yaric xuống thung lũng K’long K’lanh. Nước suối lạnh như cắt. Những người dân tộc Kơ Ho địa phương nói rằng đây là nơi ngày xưa loài trăn núi thường về sưởi nắng, có những ngày cả đàn trăn nằm dài bên suối phơi vảy lấp lánh. Đi ngược dòng về phía Khánh Hòa, tôi cũng đã gặp rất nhiều ngọn thác. Những dòng thác chưa có ai đặt tên khoe vẻ đẹp tinh khôi và róc rách những bản nhạc thần tiên giữa đại ngàn hùng vĩ. Thật khó lòng diễn tả và chia sẻ được vẻ đẹp của thiên nhiên mà chỉ khi thực sự tĩnh lặng trầm mình giữa không gian rừng già mới cảm nhận được. Tôi cũng đã ngẩn ngơ trước những dòng suối thượng nguồn Bidoup - Núi Bà khi lần tìm ngọn nguồn của những dòng sông. Thiên nhiên thật kỳ diệu. Những đỉnh cao này là nơi phát tích của hai dòng sông Đồng Nai và Sêrêpốk huyền thoại. Tôi muốn gọi Sêrêpốk là “dòng sông chung thủy”. Từ đỉnh Bidoup, những con suối nhỏ đã kết thành dòng Krông Nô. Khi chảy đến địa phận Đắk Lắk, Krông Nô kết nước với Krông Ana để trở thành dòng Sêrêpốk chảy ngược qua nước bạn Campuchia, nhập vào Biển Hồ rồi từ đó hòa vào Mê Kông. Đến lúc này thì Sêrêpốk góp nước của mình xuôi về chín nhánh Cửu Long và đổ vào biển Đông của Tổ quốc. Sông trôi miên man qua bao thác, bao ghềnh, bao buôn, bao sóc rồi cuối cùng đã trở về mạch nguồn đất mẹ, trở về với nơi chốn đã sinh thành ra sông…     

Đêm về, giữa buôn làng của người Kơ Ho dưới chân núi Bidoup, ngọn lửa được đốt lên. Trong cái lạnh căm căm của thung lũng rừng già, chỉ có lửa mới đủ làm cho nụ cười ấm lại. Ở buôn K’long K’lanh, những con cá hồi được di thực từ đất nước Phần Lan xa xôi về đây và nuôi dưỡng thành công trên những dòng suối Đạ Mưng, Liêng Sú. Món cá hồi nướng thơm phức cùng những cần rượu sóng sánh màu mật ong từ chiếc chóe cổ trong nhà già làng Ha Tang đã làm cho khoảng cách chủ và khách đã bị xóa nhòa. Đồng bào bản địa nơi này vẫn vậy, hồn hậu và cởi mở. Tâm tính của họ phóng khoáng như những ngọn núi, bí ẩn và kiêu hãnh tựa sâu thẳm đại ngàn.

Không gian đêm rừng càng khuya càng tĩnh lặng như nhắc nhớ rằng, rừng già Bidoup - Núi Bà không chỉ là một kho tàng thiên nhiên quý giá mà còn là địa bàn cư trú ngàn đời của nhiều tộc người. Những chủ nhân lâu đời của miền núi rừng này còn lưu giữ, ẩn tàng những hệ giá trị văn hóa vô cùng độc đáo từng được tổ tiên họ sáng tạo, hun đúc. Một ngày gần nhất, tôi sẽ quay trở lại, sẽ tĩnh lặng tận hưởng, thanh lọc tâm hồn trong hơi thở của thiên nhiên hoang dã và tiếp tục kể câu chuyện về những tộc người anh em thân thiết giữa núi đỏ, rừng xanh...


https://baodaklak.vn/phong-su-ky-su/202203/hoa-nhip-tho-cung-thien-nhien-hoang-da-9405be3/

Theo Uông Thái Biểu (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…