Chiều 8-11, tại hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh và đề xuất chính sách, ông Nguyễn Quốc Toản, Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết trong số 18 thuốc được hỗ trợ có 12 thuốc cho người mắc các bệnh lý ung thư (gần 66,7%). Ngoài ra, một số thuốc hỗ trợ cho người bệnh viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, Hemophillia A …
Đây là các thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh mới còn trong thời hạn bảo hộ độc quyền hoặc thuốc chưa có thuốc generic cùng hoạt chất hoặc dạng bào chế tại Việt Nam. 16/18 thuốc này chưa được quỹ BHYT chi trả.
Hội thảo đề xuất chính sách về hỗ trợ thuốc do Bộ Y tế tổ chức |
Theo đó, hơn 6.000 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại gần 40 cơ sở y tế được nhận hỗ trợ thuốc với tổng số tiền 1.600 tỉ đồng. Trung bình mỗi người bệnh được hỗ trợ 264 triệu đồng. Chương trình có nhiều người bệnh nhận hỗ trợ nhất là thuốc Keytruda (pembrolizumab) cho người bệnh ung thư (hơn 40%) và thuốc Tagrisso (osimertinib) cho người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ gần 27%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá 18 chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần mang ý nghĩa nhân văn cao cả, mang lại ý nghĩa thiết thực cho người bệnh, giúp người bệnh giảm chi phí điều trị, giảm gánh nặng kinh tế, tăng tỉ lệ người bệnh tiếp cận điều trị thuốc, đặc biệt đối với các loại thuốc biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí điều trị lớn hàng tỉ đồng/năm/bệnh nhân, chưa được quỹ BHYT chi trả.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng một số quy định hiện hành về chương trình hỗ trợ thuốc một phần đang bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần phải điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện K Trung ương. |
Hiện, Bộ Y tế đang lấy ý kiến sửa đổi thông tư 31/2018 quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí toàn bộ hoặc một phần để tăng khả năng tiếp cận thuốc, giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh việc phê duyệt các chỉ định mới, cập nhật phác đồ thuốc được thế giới phê duyệt. Với các thuốc phát minh mới, dù đã thực hiện chương trình hỗ trợ nhưng giá thành vẫn rất cao so với khả năng chi trả của người bệnh, do đó cần đưa thuốc vào danh mục quỹ BHYT trả cùng với việc duy trì hỗ trợ đồng chi trả thuốc cho người bệnh.