Hỗ trợ phát triển khởi nghiệp ở Gia Lai cần thực chất, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn giúp các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận thông tin cũng như kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã phối hợp cùng Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN (Viện Ứng dụng Công nghệ) triển khai chuỗi hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
“Do các điều kiện đặc thù về địa kinh tế, nhu cầu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Gia Lai có sự khác biệt so với các khu vực khác. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức nghiên cứu, quản lý và các chuyên gia để tư vấn cho địa phương mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp, thực chất và hiệu quả nhất”-ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở KHCN-nhấn mạnh.
 Ký kết hợp tác giữa Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) với Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai. Ảnh: T.D
Ký kết hợp tác giữa Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) với Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai. Ảnh: T.D
Chuỗi hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh bao gồm các sự kiện như: hội thảo, tọa đàm về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các tỉnh Tây Nguyên, trong đó tập trung vào Gia Lai; khảo sát thực tế các mô hình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; trao đổi các nội dung công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực gồm nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sản phẩm nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị, tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho các nhóm khởi nghiệp, quản trị nguồn lực cho tổ chức khởi nghiệp… Bên cạnh đó là xây dựng phương hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên vùng Tây Nguyên, kết hợp doanh nghiệp địa phương với cơ quan, viện nghiên cứu nhằm phát triển giải pháp tổng thể hướng tới các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại địa phương; ký kết hợp tác giữa Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KHCN) với Sở KHCN Gia Lai.
Dịp này, các chuyên gia đã có những trao đổi thẳng thắn về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh cũng như lắng nghe các ý kiến thực tế của các doanh nghiệp, cán bộ địa phương. Nói về phát triển mạng lưới liên vùng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, ông Hồ Sỹ Thường-Giám đốc Điều hành Vườn ươm Doanh nghiệp Hà Nội-cho rằng: “Địa phương cần nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch các cụm phát triển mang tính chuyên môn hóa các sản phẩm chủ lực, trong đó tập trung ưu tiên những ngành nông nghiệp trọng điểm như cây công nghiệp đặc trưng, rau, hoa quả, chăn nuôi... Đặc biệt là khâu nghiên cứu tạo giống năng suất chất lượng cao, kết hợp phát triển khu công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản theo quy hoạch. Tiếp đó thông qua doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo thành chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để đạt hiệu quả cao”.
Thời gian qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của ngành KHCN tỉnh. Đã có nhiều chương trình, dự án nhằm kích thích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng đội ngũ các doanh nghiệp coi trọng và có tiềm lực KHCN. Gia Lai cũng đã có nhiều hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã được hình thành, kết nối với các hiệp hội để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Để tăng cường sức cạnh tranh, tạo nên động lực tăng trưởng mới, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những nền tảng giúp Gia Lai thực sự chuyển mình, trở thành điểm sáng về khởi nghiệp, về phát triển công nghệ của vùng Tây Nguyên.
Giám đốc Sở KHCN Lưu Trung Nghĩa cho biết: “Thời gian qua, Sở đã triển khai 20 lớp tập huấn tại 17 huyện, thị xã, thành phố và các hiệp hội, Hội Doanh nghiệp để thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0); xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là khởi động phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh xuống tận cơ sở với gần 3.000 người tham gia”. Mục tiêu sắp tới của Gia Lai là xây dựng các mô hình cơ sở ươm tạo công nghệ và các tổ chức KHCN phù hợp với điều kiện thực tế và lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của tỉnh; đề xuất mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối liên vùng giữa Gia Lai và các tỉnh trong khu vực. Phối hợp với các trung tâm đào tạo khởi nghiệp có uy tín để đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp làm nòng cốt xây dựng phong trào.
“Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học cũng như các công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường vào đời sống sản xuất là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành KHCN tỉnh nhà. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp tỉnh, trong đó sự đóng góp của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng”-ông Lưu Trung Nghĩa khẳng định.
 Mai Ka

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.