Hồ thủy lợi ở Kon Tum cạn trơ đáy vì nắng nóng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng hạn hán tại tỉnh Kon Tum trở nên khốc liệt, riêng tại H.Đăk Hà đã có nhiều hồ thủy lợi cạn nước, hàng trăm ha cây trồng héo rũ.

Bước vào mùa khô hạn năm nay, tình trạng nắng nóng kéo dài khiến hàng trăm ha cà phê tại xã Hà Mòn (H.Đăk Hà) bị ảnh hưởng nặng nề. Dọc tuyến đường dẫn vào xã có nhiều vườn cà phê héo rũ, vàng úa, lá non bị cháy đen. Kênh dẫn nước bên cạnh tuyến đường đã cạn kiệt từ lâu.

Hồ thủy lợi C3 cạn nước do hạn hán

Hồ thủy lợi C3 cạn nước do hạn hán

Gia đình ông Cao Đăng Tuyên (ở xã Hà Mòn) canh tác 500 cây cà phê. Trong mùa khô các năm trước, gia đình ông chỉ tưới cà phê 3 đợt. Năm nay, ông Tuyên tưới cà phê đến đợt thứ 5 nhưng vẫn chưa hết mùa khô. Nếu nắng nóng vẫn kéo dài, gia đình ông sẽ phải tưới thêm đợt thứ 6.

"Nếu nắng nóng tiếp diễn thêm vài tháng, hồ thủy lợi không còn nước thì chắc chắn một lượng lớn cây trồng sẽ chết khô. Hiện tình trạng hạn hán đã ít nhiều gây tác động xấu đến năng suất vườn cà phê của gia đình tôi", ông Tuyên nói.

Hồ thủy lợi cạn nước khiến khoảng 200 ha cây trồng trên địa bàn xã Hà Mòn bị ảnh hưởng

Hồ thủy lợi cạn nước khiến khoảng 200 ha cây trồng trên địa bàn xã Hà Mòn bị ảnh hưởng

Nhiều ngày qua, hồ thủy lợi C3 (thôn Bình Minh, xã Hà Mòn) đã trơ đáy khiến người dân không biết ứng phó thế nào với hạn hán trong thời gian tới. Đi giữa lòng hồ nứt nẻ, ông Trần Thanh Sơn (ở thôn Bình Minh) cho rằng, chưa có năm nào hạn nặng như năm nay. Các năm trước, hết mùa khô thì mực nước chỉ rút xuống khoảng vài mét nhưng năm nay rút xuống 6 mét đã cạn trơ đáy.

Để cứu cây trồng, nhiều ngày qua, người dân đã huy động hàng chục máy bơm công suất lớn hoạt động suốt ngày đêm. Thế nhưng, với tình hình hiện tại, khi lòng hồ đã cạn nước, chỉ những diện tích cà phê bị khô cháy mới được ưu tiên lấy nước trước, để tránh cạn kiệt nguồn nước ít ỏi còn lại trong hồ.

Hồ thủy lợi cạn trơ đáy khiến người dân không biết ứng phó thế nào với hạn hán

Hồ thủy lợi cạn trơ đáy khiến người dân không biết ứng phó thế nào với hạn hán

Điêu đứng vì thiếu nước tưới, nông dân bất lực nhìn vườn cà phê héo úa

Theo ông Sơn, gia đình ông canh tác 1 ha cà phê. Từ ngày lòng hồ cạn nước, phèn chua dưới đáy nổi lên. Trong khi đó, người dân chủ yếu sử dụng phương pháp tưới béc, nước theo các ống tưới phun lên khắp tán lá. Lúc này, phèn chua kết hợp với nắng nóng khiến lá cà phê bị cháy đen, héo rũ.

"Tưới béc khiến cà phê bị cháy lá nên nhiều gia đình buộc phải chuyển sang phương án tưới thủ công từng cây một rất tốn thời gian. Chúng tôi mong chính quyền sớm có phương án nạo vét để lòng hồ tích được nhiều nước hơn, phục vụ tưới tiêu các năm sau", ông Sơn nói.

Nắng nóng kéo dài đã khiến hồ thủy lợi C3 cạn kiệt nước, không còn khả năng tưới cho cây trồng

Nắng nóng kéo dài đã khiến hồ thủy lợi C3 cạn kiệt nước, không còn khả năng tưới cho cây trồng

Ông Trần Đức Trọng, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho hay, do nắng nóng kéo dài khiến một số diện tích cây cà phê và cây trồng hằng năm trên địa bàn thiếu nước. Đặc biệt hồ chứa C3 đã cạn kiệt nguồn nước, không còn khả năng tưới cà phê, hoa màu.

"Hồ thủy lợi C3 có diện tích lưu vực gần 2 km2, dung tích 370.000 m3, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 200 ha cây trồng trên địa bàn thôn Bình Minh. Khi hồ thủy lợi này cạn kiệt, hàng trăm ha cây trồng sẽ bị ảnh hưởng", ông Trọng nói.

Thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cà phê đã chết khô

Thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cà phê đã chết khô

Theo UBND tỉnh Kon Tum, tình trạng ít mưa, khô hạn, thiếu nước trong các tháng mùa khô năm 2024 sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Kèm theo đó, mực nước và lưu lượng nước trên các sông suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, lưu lượng nước sông Đăk Bla đoạn chảy qua H.Kon Rẫy và TP.Kon Tum thấp hơn từ 40 - 65%, mực nước thấp hơn các năm từ 0,2 - 1,2 m. Tổng diện tích cây trồng tại Kon Tum có nguy cơ khô hạn, thiếu nước trên 1.770 ha. Trong đó, TP.Kon Tum có khoảng 870 ha, H.Đăk Hà khoảng 505 ha…

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.