Hiệu quả mô hình đưa điện ra nương rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi đến thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vào những ngày đầu tháng 4, hai bên đường là bạt ngàn cây cà-phê đang trổ hoa trắng xóa, thơm phức. Mặc dù đang là đợt tưới nước lần 3 cho cây cà-phê nhưng chúng tôi không hề nghe thấy tiếng nổ inh ỏi, khói bốc lên đen kịt của động cơ diesel như những lần trước đến thăm. Nhờ sự bao phủ rộng khắp của điện lưới quốc gia mà người dân nơi đây đỡ khó khăn, vất vả hơn trong công việc nương rẫy.
 
Anh Đỗ Huy Thìn đang tưới vườn cà-phê của gia đình mình.
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, anh Đỗ Huy Thìn, thôn 5, xã Đăk Mar, cho biết: Nhà mình có 1,6 ha cà-phê đang vào đợt tưới lần 3. Ngày trước không có điện, phải dùng động cơ diesel để bơm nước tưới rất vất vả. Đã vậy còn bị ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi từ máy nổ, gây mất vệ sinh môi trường. Từ ngày có điện đến nương rẫy, vừa đơn giản mà lại giảm được một nửa chi phí. Gia đình mình rất là vui mừng.
Tiếp lời anh Thìn, anh Nguyễn Hữu Hạnh, thôn 5, xã Đăk Mar, chia sẻ: Nhà tôi có hai ha cà-phê, trong đó một ha là của gia đình, một ha tôi nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà-phê 734. Tôi tưới cà-phê bằng động cơ diesel thì mất khoảng 1,6 triệu đồng, dùng điện tôi chỉ tốn 800 nghìn đồng thôi. Chi phí giảm hẳn một nửa, không tốn nhiều nhân công như trước, chỉ cần một thao tác đơn giản là bật cầu giao điện là có thể tưới rẫy được rồi.
Kon Tum đang vào cao điểm mùa khô, nhu cầu bơm tưới của người dân đang rất cấp thiết, phụ tải điện tăng hơn 14,6% so với cùng kỳ. Để linh hoạt ứng phó, bảo đảm cung cấp điện cho các phụ tải trong mùa bơm tưới nương rẫy, ngành điện của tỉnh đã sớm chủ động lập các phương thức cấp điện, nâng công suất trạm biến áp, đường dây hạ thế... Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, cho biết: “Nhằm bảo đảm cho nhu cầu tưới tiêu của người dân trong mùa khô, chúng tôi đã xây dựng sơ đồ kết dây cơ bản, xây dựng phương thức vận hành lúc bình thường, lúc sự cố. Phối hợp UBND các xã phân lịch tưới tiêu cho các hộ dân trên địa bàn nhằm tránh tình trạng tưới đồng loạt dẫn đến quá tải cục bộ đường dây và trạm biến áp. Kiểm tra, nhắc nhở và gửi thông báo đến các hộ dân cách tưới tiêu tiết kiệm điện, an toàn. Công ty cũng đã dự báo phụ tải tưới tiêu từng khu vực theo từng trạm biến áp để nâng công suất, hoán chuyển 57 máy biến áp để sẵn sàng cấp điện phục vụ cho bà con”.
Đồng chí Nguyễn Đăng Lượng, Bí thư Chi bộ kiêm thôn trưởng thôn 5, xã Đăk Mar, cho biết: Thôn 5 có 212 hộ canh tác 257 ha cà-phê. Một đợt tưới mỗi ha cà-phê trung bình mất hai ngày hai đêm. Hầu hết người dân bỏ máy bơm nước chạy bằng động cơ diesel sang sử dụng bơm điện. Để khởi động máy bơm chạy dầu, trẻ thì còn quay được chứ người già thì không quay nổi. Dùng bằng điện thì phụ nữ, trẻ con cũng biết bấm nút. Nếu tưới máy nổ, lỡ đi đâu hai đến ba tiếng là hụt nước, làm cháy máy, phải thay máy khác. Hiện nay, người dân dùng máy điện, có gì là tự tắt, bảo đảm cho mình không bị thiệt hại gì về máy móc. Dùng điện bây giờ bà con rất phấn khởi.
Trước những lợi ích của việc điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn đem lại cho người dân, các cấp, các ngành chức năng và ngành điện Kon Tum đã cố gắng tập trung các nguồn lực cải tạo, nâng cấp lưới điện, đưa điện đến nương rẫy nhằm đem đến cho người dân đời sống vật chất cũng như tinh thần đầy đủ hơn, no ấm hơn.
Phúc Thắng (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm