Hành trình trả rừng về nguyên bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.

Bỏ keo để trồng cây gỗ bản địa

Sau hơn 10 năm bị bỏ hoang, cây thực bì dại mọc um tùm, mảnh rừng cộng đồng của bà con Cơ Tu thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã được khoác áo mới. Những cây sao đen non vươn mình trong gió mang theo kì vọng của chính quyền địa phương cũng như bà con Cơ Tu về cánh rừng gỗ lớn và sinh kế bền vững dưới tán rừng. Trước đó khoảng mười hôm, UBND xã Hòa Bắc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) khởi động dự án Mang rừng về nguyên bản'', trồng 500 cây sao đen ở rừng cộng đồng thôn Giàn Bí. Bà con hai thôn Tà Lang - Giàn Bí biết tin, tự nguyện bỏ ngày công để dọn dẹp thực bì, lấy đất sạch trồng cây gỗ lớn.

Chị Trương Thị Hương (người dân thôn Giàn Bí) được cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ lớn

Chị Trương Thị Hương (người dân thôn Giàn Bí) được cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ lớn

Theo anh Trần Xuân Trung, Trưởng thôn Giàn Bí, diện tích rừng cộng đồng này trước đó bà con có chung tay để trồng keo, kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, nhiều năm nay, bão lũ liên miên, đất sạt lở, cây keo đổ rạp nên thu nhập trồng keo không cao như trước. Hơn 10 năm nay, khu vực này bị bỏ hoang vì bà con chưa có điều kiện để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Với nguồn lực huy động được, trong giai đoạn 1 của dự án ''Mang rừng về nguyên bản'', từ tháng 2/2024 đến tháng 5/2024, Trung tâm GreenViet sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và người dân trồng hơn 38,5 nghìn cây gỗ lớn trên diện tích 26,1 ha rừng cộng đồng và rừng của các hộ dân tại tiểu khu 18, 21, 27 thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

“Khi biết diện tích này được sử dụng để chuyển đổi trồng cây gỗ lớn trong dự án Mang rừng về nguyên bản, bà con hết sức ủng hộ, cùng tham gia phát quang, dọn dẹp thực bì để lấy đất trồng cây. Chúng tôi kỳ vọng trong khoảng 5 - 7 năm nữa, khu vực này sẽ được phủ xanh tạo điều kiện để bà con trồng xen canh cây ngắn ngày, cây dược liệu dưới tán cây gỗ lớn, tạo sinh kế bền vững”, anh Trung cho hay.

Những ngày này, tranh thủ trời nắng đẹp, chị Trương Thị Hương (người dân thôn Giàn Bí) cùng bà con tiếp tục phát cỏ dại, dọn sạch cây thực bì ở phần diện tích còn lại của rừng cộng đồng để trồng cây sao đen.

Gia đình chị Hương có khoảng 4ha trồng keo, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nhiều năm nay. Khi được cán bộ xã, cán bộ dự án vận động chuyển đổi từ cây keo sang cây gỗ bản địa, chị đôi phần lưỡng lự. Nhưng khi được giải thích về tác hại của trồng keo, lợi ích lâu dài của việc trồng rừng, chị gật đầu tham gia dự án. Để chuẩn bị diện tích trồng cây gỗ, những phần đất đã thu hoạch keo, gia đình chị tiến hành đốt thực bì, dọn sạch cỏ dại để trồng cây gỗ mới. “Không nói đâu xa, giờ cứ đến mỗi mùa mưa bão lại thấy sạt lở đất, lũ quét khắp nơi, bà con đều biết đó là tác hại của việc mất rừng. Nhưng vì để no cái bụng cũng đành chịu. Lần này, được dự án đồng hành hỗ trợ, chính quyền vận động, tui “chơi lớn” coi sao”, chị Hương tếu táo.

Những cây sao đen được người dân địa phương trồng ở rừng cộng đồng thôn Giàn Bí trong khuôn khổ dự án Mang rừng về nguyên bản.

Những cây sao đen được người dân địa phương trồng ở rừng cộng đồng thôn Giàn Bí trong khuôn khổ dự án Mang rừng về nguyên bản.

Cũng là một trong những hộ tham gia dự án, anh Phan Văn Cảnh (người dân thôn Giàn Bí) cũng đã chuẩn bị hơn 2ha đất rừng sạch để sẵn sàng trồng cây gỗ lớn. Mười năm qua, cây keo là sinh kế chính, nuôi sống cả gia đình anh Cảnh. Mỗi vụ keo, anh trồng khoảng 5ha, sau khoảng 4 - 5 năm thu nhập được gần 100 triệu đồng. Với người dân Cơ Tu ở Tà Lang - Giàn Bí, đó là khoản tiền rất lớn nên khi được vận động chuyển đổi cây trồng, anh Cảnh có chút lo lắng.

“Trước mắt, gia đình tôi trồng gỗ lớn trước 2ha trên diện tích rừng keo đã thu hoạch. Còn lại 3ha keo đang chờ đủ tuổi thu hoạch, nếu vài năm nữa trồng cây gỗ lớn có hiệu quả, tạo được sinh kế bền vững, gia đình tôi sẽ chuyển đổi cây trồng hoàn toàn. Tôi chỉ mong muốn chính quyền cùng dự án sẽ đồng hành, hỗ trợ bà con Cơ Tu để dự án ý nghĩa này thực sự lan tỏa”, anh Cảnh nói.

Tạo sinh kế bền vững từ rừng

Khởi động từ tháng 10/2023, Dự án ''Mang rừng về nguyên bản'' tổ chức nhiều hoạt động để gây quỹ, hỗ trợ bà con Cơ Tu ở xã Hòa Bắc chuyển đổi sang cây gỗ lớn trong rừng. Trung tâm GreenViet là đơn vị giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án cũng như đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Với mục tiêu trồng rừng, giữ gìn và phục hồi rừng bản địa, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã khảo sát thực tế rừng địa phương, trao đổi với đồng bào Cơ Tu bản địa để lựa chọn các loại cây gỗ lớn phù hợp, giữ gìn và phát triển đa dạng sinh học ở khu vực này.

Bà con Cơ Tu ở thôn Tà Lang, Giàn Bí cùng dọn dẹp rừng cộng đồng hoang hóa để trồng cây gỗ lớn, phủ xanh đồi trọc

Bà con Cơ Tu ở thôn Tà Lang, Giàn Bí cùng dọn dẹp rừng cộng đồng hoang hóa để trồng cây gỗ lớn, phủ xanh đồi trọc

Theo ông Hoàng Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet, đến nay, dự án đã nhận được cái gật đầu của 11 hộ dân địa phương để chuyển đổi từ trồng keo sang trồng cây gỗ lớn trên các diện tích rừng được giao. “Dự án kỳ vọng sẽ phủ xanh khoảng 30ha rừng với 39,6 nghìn cây gỗ lớn gồm các loài cây bản địa như sao đen, lim xanh, giổi xanh, lát hoa… nhằm tạo tính bền vững về môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của rừng bản địa. Bên cạnh đó, những cánh rừng gỗ lớn sẽ góp phần chuyển đổi sinh kế, giúp bà con Cơ Tu vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế bền vững từ rừng”, ông Huy nói.

Với diện tích rừng hơn 32 nghìn ha, Hòa Bắc là địa phương có diện tích rừng rất lớn, chiếm trên một nửa tổng diện tích rừng của TP Đà Nẵng. Bởi vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, để phát triển rừng bền vững, địa phương đã phối hợp với các ngành của xã, đơn vị liên ngành tập trung vận động người dân thực hiện mô hình trồng cây gỗ lớn nhằm chống sạt lở, xói mòn đất, đảm bảo môi trường bền vững.

Ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc nhìn nhận, việc hợp tác với GreenViet để lan tỏa, phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn trên địa bàn hết sức thiết thực, kết hợp nguồn lực để đồng hành cùng bà con Cơ Tu chuyển đổi sinh kế bền vững, hiệu quả. “Chúng tôi kỳ vọng sau vài năm nữa, khu vực rừng cộng đồng hoang hóa sẽ phát triển thành rừng cây sao đen để bà con người Cơ Tu có thể phát triển các mô hình sinh kế dưới cánh rừng như chăn nuôi, trồng xen canh cây dược liệu quý, phát triển du lịch cộng đồng của 2 thôn Tà Lang - Giàn Bí. Những rừng keo được chuyển đổi sang cây gỗ lớn sẽ được phủ xanh, giúp người dân địa phương có mô hình sinh kế bền vững, chống xói mòn, nghèo đất, vừa bảo vệ đa dạng sinh học cho rừng bản địa, vừa phát triển các mô hình du lịch cộng đồng bền vững”, ông Nhân nói.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.