Hàng nghìn héc-ta cà phê 'gồng mình' chịu hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù triển khai nhiều giải pháp điều tiết nước tưới, thế nhưng hàng nghìn héc-ta (ha) cà phê tại huyện Đăk Hà, Kon Tum đang phải “gồng mình” chống chịu với thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, mực nước ở 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang xuống thấp, chỉ đạt khoảng 60% công suất thiết kế. Đặc biệt, hồ thủy lợi thôn Bình Minh (còn gọi là hồ C3) ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà với sức chứa 370.000m3 phục vụ tưới tiêu cho hơn 200 ha cây trồng trên địa bàn thôn Bình Minh, giờ chỉ còn những vũng nhỏ ở đầu nguồn, giữa lòng hồ đã khô cằn, nứt nẻ.

Thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cà phê héo rũ, vàng úa, lá non bị đen.

Thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cà phê héo rũ, vàng úa, lá non bị đen.

Ghi nhận tại huyện Đăk Hà, dọc tuyến đường vào xã Hà Mòn có nhiều vườn cà phê héo rũ, vàng úa, lá non bị cháy đen. Kênh dẫn nước dọc đường cạn kiệt. Hàng trăm héc-ta cà phê trên địa bàn huyện đã xuất hiện tình trạng cháy lá, khô cành và quả non. Thời tiết cực đoạn kéo dài khiến người trồng cà phê lo lắng bởi thiệt hại không chỉ mùa vụ này mà vườn cây sẽ bị ảnh hưởng lâu dài.

Gia đình ông Cao Đăng Tuyên (trú xã Hà Mòn) đang có 500 . Ông Tuyên cho hay, mùa khô các năm trước, gia đình chỉ tưới cà phê 3 đợt nhưng năm nay, ông đã tưới đến đợt thứ 5 vẫn chưa đến mùa mưa. Cứ theo đà này, ông sẽ phải tưới thêm đợt thứ 6, có khi lên tới đợt 7, 8. “Nếu nắng nóng thêm vài tháng, hồ thủy lợi sẽ không còn nước. Lúc đó một lượng lớn cây trồng sẽ chết khô”, ông Tuyên nói.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công nhân, người lao động Công ty Cà phê Đăk Uy và người dân trồng cà phê tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn đứng ngồi không yên khi nguồn nước tưới không bảo đảm. Ông Phạm Văn Tiệp - công nhân Công ty Cà phê Đăk Uy cho hay, nhiều năm nay, người dân sử dụng nước tưới tiêu từ 2 nguồn, gồm hệ thống kênh cấp I của công trình Đập thủy lợi Đăk Uy và từ hồ C3. Nhưng giờ đây, hồ C3 đã cạn nước khiến hơn 100ha cà phê của người dân không đủ nước tưới tiêu.

Ngày đêm bơm nước chống hạn

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý công trình, Quản lý nước và Quản lý Đầu tư, Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh Kon Tum cho hay, hiện trên địa bàn TP.Kon Tum có hơn 400ha lúa nước vùng bán ngập lòng hồ thuỷ điện Yaly “khát nước”. Vì vậy, để đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích lúa này, đơn vị đã huy động 3 trạm bơm điện tại 2 xã Ngọc Bay và Vinh Quang (TP.Kon Tum) vận hành hết công suất cả ngày lẫn đêm bơm nước chống hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Huấn - Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng El Nino, nền nhiệt khu vực mùa khô năm nay tăng cao hơn trung bình nhiều năm. Từ nay tới cuối tháng 4 khu vực có khả năng sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Do đó, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn nhiều năm.

Theo ông Nghĩa, với công suất một trạm bơm khoảng 600m3/giờ, hiện các trạm vẫn đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 400ha lúa nước giai đoạn trổ bông tập trung ở 3 xã Ngọc Bay, Vinh Quang và Đoàn Kết. Còn đối với 2 trạm bơm điện Tà Rộp và Tà Wắc (xã Đăk Năng) do bể hút bị hụt nguồn nước nên đơn vị có giải pháp khác nhằm giảm thiệt hại, hỗ trợ người dân.

Ghi nhận tại công trình thủy lợi hồ C3, có hàng chục máy bơm tưới của người dân ngày ngày túc trực bên lòng hồ đã cạn kiệt, trơ đáy. Để có nước, các hộ phải luân phiên nhau chia ca theo tiếng để bơm về diện tích cà phê của gia đình. Tuy nhiên, việc bơm nước từ lòng hồ bị nhiễm bùn cũng trực tiếp ảnh hưởng đến cây cà phê.

Tương tự tại hồ thuỷ lợi xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) có nhiều máy bơm chờ trực tới lượt bơm nước. Theo một số hộ dân ở đây, họ sẽ ưu tiên cho những diện tích cà phê bị khô cháy lấy nước trước để tránh cạn kiệt nguồn nước ít còn trong hồ. Theo ông Nguyễn Tiến - hộ dân trồng cà phê lâu năm tại xã Sa Bình, chưa có năm nào như thời tiết nắng nóng kéo dài như năm nay. “Cứ đà này, hồ thuỷ lợi trên địa bàn sẽ cạn kiệt nguồn nước, không còn khả năng tưới cà phê, hoa màu. Chúng tôi mong chính quyền sớm có phương án hỗ trợ”, ông Tiến cho hay.

Ông Trần Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Hà Mòn cho biết, nắng nóng gần 40 độ C kéo dài, hồ C3 cạn kiệt nước đã khiến một số diện tích cây cà phê và hoa màu trên địa bàn bị ảnh hưởng. Từ đó, cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, hiện mực nước và lưu lượng nước trên các sông suối giảm dần, duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Nghiêm trọng là sông Đăk Bla, đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và TP.Kon Tum, lưu lượng nước thấp hơn từ 40-65%. Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước trên 1.770ha (diện tích lúa 780ha, cây cà phê 990ha).

Có thể bạn quan tâm