(GLO)- Đã hơn một tuần qua, kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, anh Lê Chí Hoàng (27 tuổi), quê ở xã Xuân Phu, huyện Tuy An, Phú Yên, ngư dân đánh cá trên Tàu PY-90631 với khuôn mặt hốc hác, chưa hết vẻ bàng hoàng kể lại tôi nghe cái ngày hãi hùng ấy: Hôm đó, khoảng 11 giờ ngày 29-5 khi các ngư dân đang kéo lưới thì bất ngờ con cá ngừ với mõm dài, sắc nhọn đã đâm xuyên qua bàn chân phải làm anh đau nhói cả người, máu chảy nhiều.
Lúc này tàu đang ở giữa biển khơi, biết rằng nếu đưa vào bờ sẽ không kịp, Thuyền trưởng quyết định đưa nạn nhân đến Nhà dàn DK1 cấp cứu, tuy nhiên do điều kiện y tế ở đây còn hạn chế nên sau khi sơ cứu đã chuyển nạn nhân đến Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn để cứu chữa.
Tác giả thăm ngư dân gặp nạn. Ảnh: T. Công |
Trao đổi với Đại úy Phan Đình Vui, Bác sĩ- Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, anh cho biết: “Nạn nhân là trường hợp hy hữu mà chúng tôi gặp, mặc dù bị tai nạn sau 2 ngày đêm mới đưa được đến đảo nhưng vết thương vẫn chưa bị hoại tử. Nạn nhân được tiếp nhận trong tình trạng biểu hiện nhiễm độc, người lơ mơ, vết thương ở bàn chân sưng nề, có dịch, có gai cá dài 20 cm đâm xuyên qua mu bàn chân, người yếu dần. Sau khi tiếp nhận, kíp mổ đã tiến hành gây mê và phẫu thuật bóc tách phần mềm”.
Với các trang thiết bị y tế hiện có, cùng với sự nổ lực cố gắng của các y, bác sĩ, sau gần một giờ ca mổ đã hoàn thành, đưa phần gai cá xuyên qua bàn chân ra ngoài an toàn. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã chuyển biến tốt, người tỉnh táo, tiếp xúc tốt với mọi người. Bác sĩ cho biết, sau 2 tuần nữa bệnh nhân có thể hoạt động bình thường và trở về đất liền.
Cùng với tinh thần tất cả hết lòng vì bệnh nhân; đội ngũ y, bác sĩ ở Trường Sa trong thời gian qua đã lập nên nhiều thành tích xuất sắc, cứu chữa thành công nhiều ca phức tạp như: Xuất huyết tiêu hóa trên bệnh nhân bị liệt nửa người do tai biến giảm áp do lặn sâu, đỡ và mổ đẻ thành công các ngư dân trên đảo. Ân cần, nhẹ nhàng trong từng lời nói, cử chỉ; động tác chăm sóc cho các bệnh nhân một cách cẩn trọng và chính xác…
Đó là những điều mà người ta thường thấy ở người lính mặc áo bờ lu trắng ở nơi đảo xa. Các anh được những người lính, nhân dân và ngư dân gọi với cái tên thân thương: “Người mẹ hiền ở Trường Sa”. Qua tìm hiểu, được biết trước đây các trang-thiết bị y tế, thuốc men của quân y ở huyện đảo còn hạn chế thì những ca bệnh phức tạp vẫn phải chuyển về đất liền hoặc xin ý kiến chỉ đạo xử lý thông qua hệ thống thông tin vô tuyến từ những chuyên gia giỏi ở các bệnh viện trong đất liền.
Thực hiện Quyết định số 1342/QĐ-TM của Tổng Tham mưu trưởng, chất lượng, biên chế các thầy thuốc được quy định rõ, trình độ chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên nhiều. Hàng năm các Bệnh viện như: 103, 108, 175… đều cử các kíp y, bác sĩ giỏi luân phiên ra tăng cường làm nhiệm vụ trên huyện đảo. Các đảo cấp 1 đều có 2 bác sĩ, cùng với đó là các trang thiết bị y tế được đầu tư mới như: Máy siêu âm xách tay, máy thở, máy xét nghiệm sinh hóa, dao đốt điện… có thể bảo đảm cho các ca trung phẫu.
Nhờ có sự đột phá trong công tác khám chữa bệnh; thời gian qua ở Trường Sa không có trường hợp quân nhân nào bị tử vong hoặc vượt quá khả năng cứu chữa phải chuyển vào bờ. Năm 2011, Quân y toàn huyện đảo cấp cứu cho 65 ca, trong đó nhân dân 42 ca, còn lại là quân nhân. Khám bệnh và cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người. Riêng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã cấp cứu cho 20 trường hợp, cấp phát thuốc cho hàng trăm lượt người, thật sự tạo được niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho quân dân nơi đây.
Bác sĩ Phan Đình Vui cho biết thêm: Hiện nay quỹ thuốc cứu chữa cho ngư dân gặp nạn chưa có, tất cả đều sử dụng quỹ thuốc tiêu chuẩn của bộ đội. Rất mong thời gian tới các cơ quan ban ngành, các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa đến các Bệnh xá ở Trường Sa. Thành lập các “Quỹ cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển” để ngư dân an tâm ra khơi đánh bắt, vừa phát triển kinh tế biển vừa khẳng định chủ quyền biển đảo.
Những kết quả trong công tác khám-chữa bệnh của Quân y ở Trường Sa thật sự là chỗ dựa vững chắc cho các lực lượng quân dân trên huyện đảo và ngư dân ra đánh bắt xa bờ. Nhưng hơn hết, chính các anh đã tạo được sự gần gũi, gắn kết giữa nhân dân với người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trương Công Pháp