(GLO)- “Nếu năm 2015, huyện Kbang chỉ được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 18 nhóm cải thiện sinh kế thì năm 2016, toàn huyện được hỗ trợ 49 nhóm trồng lúa, sa nhân, đậu cô ve lùn, nuôi dê, heo và cải tạo vườn hộ. Nguồn lực này không chỉ giúp những hộ tham gia dự án nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, đảm bảo lương thực mà còn tăng thu nhập từ việc bán sản phẩm được hỗ trợ trồng và chăn nuôi”-chị Nguyễn Thị Diệu Quyên-cán bộ tư vấn sinh kế-Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Kbang, cho biết.
Đảm bảo lương thực
Có hơn 1 sào lúa nước song do kỹ thuật sản xuất còn yếu nên trước đây, gia đình chị Đinh Thị Hdắt (làng Tăng, xã Lơ Ku) chỉ thu được 8 bao. Năm 2015, được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên hơn 1 sào lúa của gia đình thu được tới 18 bao (gần 8 tạ). Số thóc này không chỉ giúp gia đình chị Hdắt thoát khỏi cái đói mùa giáp hạt mà còn tạo động lực để chị tham gia nhóm tốt hơn. “Trước đây, năm nào gia đình mình cũng thiếu gạo ăn nhưng năm nay thì không còn lo nữa. Gia đình mình sẽ cố gắng làm tốt hơn để nâng cao năng suất cũng như chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hộ trong làng”-chị Hdắt chia sẻ.
Đưa giống lúa lai vào gieo trồng. Ảnh: H.T |
Ngoài chị Hdắt, năm 2016, làng Tăng còn có 9 hộ tham gia nhóm trồng lúa lai do dự án hỗ trợ. Ông Đinh Hmâm-Trưởng thôn Tăng, cho biết: Làng có 45 hộ nhưng diện tích đất để làm lúa nước hai vụ chỉ có 3,7 ha. Đã thế, do kỹ thuật canh tác của bà con còn lạc hậu nên năng suất lúa thấp, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đói giáp hạt. Vì vậy, khi nghe tin làng có 10 hộ được tham gia nhóm trồng lúa lai, trong đó có 7 hộ nghèo, mọi người mừng lắm. Hy vọng, dự án sẽ giúp những hộ tham gia nâng cao trình độ để tăng gia sản xuất, đảm bảo lương thực cho gia đình.
Tương tự, tại xã Kon Pne, những hộ tham gia nhóm trồng lúa đã triển khai xong khâu làm đất để chuẩn bị gieo sạ với hy vọng lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, đảm bảo lương thực cho gia đình. Ông Đinh A Ngôn-trưởng nhóm trồng lúa làng Kon Hleng, cho biết: “Năm ngoái, do canh tác giống lúa lai nhưng chưa áp dụng đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất đạt thấp. Năm nay, bà con được tập huấn kỹ thuật nhiều lần và được trồng giống lúa quen thuộc của làng nên bà con rất tự tin. Mong rằng, năng suất lúa sẽ đạt cao hơn”.
Ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Kon Pne, cho hay: Khác với năm 2015, các nhóm trồng lúa chỉ được tập huấn 1 lần, năm nay, các nhóm được tập huấn nhiều lần từ làm đất, gieo sạ đến làm cỏ, quản lý dịch hại trên cây trồng. Đặc biệt, năm nay, thay vì trồng lúa lai, các nhóm trồng lúa chọn giống Khang Dân 18-giống lúa quen thuộc nên các hộ tham gia nhóm đã có sẵn kỹ thuật canh tác. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con cách thâm canh cũng như chăm sóc lúa, phấn đấu tăng năng suất lên 6 tấn/ha.
Tăng thu nhập
Ngoài 15 nhóm trồng lúa, năm 2016, huyện Kbang còn được hỗ trợ triển khai 34 nhóm cải tạo vườn hộ, chăn nuôi dê, chăn nuôi heo, trồng sa nhân và đậu cô ve lùn. Trong đó, 210 hộ tham gia 14 nhóm nuôi dê được hỗ trợ 561 con; 60 hộ tham gia 6 nhóm nuôi heo được hỗ trợ 197 con và hàng trăm hộ được hỗ trợ tiền mua giống, phân bón để trồng sa nhân và đậu cô ve lùn nhằm cải thiện dinh dưỡng bữa ăn và tăng thu nhập. “Từ khi nghe tin được hỗ trợ nuôi dê, 20 hộ ở làng rất phấn khởi. Ai cũng tích cực tham gia tập huấn, làm chuồng trại để lúc đón dê về có chuồng cho dê ở và có sẵn kiến thức chăm sóc. Ngoài 3 con dê đực, mỗi gia đình được hỗ trợ 3 con dê giống. Đây là tài sản mà trước đây nhiều hộ có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ sẽ có được”-anh Lê Kim Thành-trưởng nhóm nuôi dê làng Điện Biên (xã Sơn Lang), chia sẻ.
Phấn khởi vì được tiếp tục chọn tham gia nhóm cải tạo vườn hộ năm 2016, chị Hoàng Thị Huyền (thôn 1, xã Lơ Ku) cho biết: Năm 2015, nhờ được tham gia nhóm cải tạo vườn hộ mà bữa ăn của gia đình tôi có thêm trứng, thịt và rau các loại. Ngoài ra, từ 2,2 triệu đồng bán đàn vịt và 2 triệu đồng vay được từ quỹ do nhóm xây dựng, gia đình tôi còn mua thêm được 10 con ngan và 2 con heo về nuôi. Vì vậy, được tham gia nhóm lần này, tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa để tăng thu nhập cho gia đình”.
Ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Lơ Ku, cho biết: “Năm 2016, số lượng các hộ được hưởng lợi từ việc tham gia nhóm nhiều hơn, kinh phí được cấp cũng lớn hơn và các loại hình sinh kế được hỗ trợ cũng đa dạng hơn. Điều này không chỉ góp phần thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng trên địa bàn mà còn giúp các hộ tham gia nhóm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đảm bảo sản xuất có hiệu quả và đặc biệt là giúp người dân làm quen dần với cách thức sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho gia đình”.
Hồng Thương